Báo Đồng Nai điện tử
En

Thay đổi quy trình ngược

10:09, 21/09/2016

VietGAP là một trong những hình thức của quy phạm thực hành nông nghiệp tốt (GAP - Good Agriculture Practice) đã được tổ chức nông lâm thế giới đưa ra từ lâu.

VietGAP là một trong những hình thức của quy phạm thực hành nông nghiệp tốt (GAP - Good Agriculture Practice) đã được tổ chức nông lâm thế giới đưa ra từ lâu. Trên thế giới cũng đã có nhiều GAP, như: EuroGAP, GlobalGAP, ASC, ASEANGAP... và nhiều quốc gia cũng có GAP riêng, như: ThaiGAP, MalayGAP, ChinaGAP...GAP được áp dụng nhằm giúp kiểm soát và truy xuất nguồn gốc, chất lượng của rau quả, cá, thịt… hay các sản phẩm nông nghiệp khác. Được chứng nhận GAP chứng tỏ sản phẩm có trách nhiệm sản xuất hàng sạch và nguồn gốc rõ ràng hơn.

Quy chuẩn VietGAP tại Việt Nam đã có nhiều năm nay và đã tạo nên nhiều thành quả, song chỉ trong phạm vi nhỏ. Tại các trung tâm thương mại và siêu thị, các sản phẩm dán nhãn GAP (bao gồm cả VietGAP lẫn GlobalGAP) luôn được người tiêu dùng chấp nhận với giá cao hơn.

Tuy nhiên, ngoài chợ thì sao? Làm sao để người tiêu dùng tin mớ rau, miếng thịt họ mua là sản phẩm theo quy trình GAP? Và nếu không bán được với giá cao hơn sản phẩm không GAP (chi phí duy trì GAP tốn kém hơn) thì làm sao để người nông dân chịu theo GAP lâu dài?

Thực tế là nhiều nông dân đang làm GAP theo quy trình ngược. Nghĩa là không phải họ nhận được tín hiệu yêu cầu, đòi hỏi từ thị trường, mà cụ thể là từ những bạn hàng đang mua sản phẩm trực tiếp từ họ, mà nhiều nông dân làm VietGAP là do… được khuyến khích và hỗ trợ. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ phần lớn chi phí để nông dân làm chứng nhận VietGAP, GlobalGAP... cho sản phẩm rồi chờ cơ hội thị trường đến. Đây chính là nguyên nhân khiến việc thực hành sản xuất VietGAP tại nhiều địa phương diễn ra rầm rộ theo phong trào rồi im hơi, lặng tiếng mất đi.

Nhưng, nên làm GAP trước để khuyến khích thị trường mua hàng GAP, hay chờ khi thị trường yêu cầu rồi mới làm GAP là một câu hỏi khó trả lời. Nếu làm GAP trước để định hướng thị trường, thì phải thực sự rộng rãi và đồng bộ để sản phẩm GAP có mặt rộng khắp các nơi, khi người mua có nhu cầu là mua được ngay. Các quy trình kiểm soát phải kịp thời và chặt chẽ để tạo lòng tin, và thêm nữa, người tiêu dùng phải chịu chi nhiều tiền hơn một chút so với hàng không GAP, chi phí cho lòng tin vào sản phẩm sạch.

Nghịch lý là phần đông người tiêu dùng chưa sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho sản phẩm sạch, trong khi vẫn sợ hãi sản phẩm không được chứng nhận về chất lượng hay xuất xứ, trong khi nông dân chưa thể hạ giá thành cho những sản phẩm sạch mà họ phải đầu tư nhiều chi phí hơn. Chính vì vậy, sau vài năm nông dân bỏ GAP vì tốn kém chi phí thời gian mà đầu ra cũng chưa ổn, trừ vài hợp đồng nhỏ đi vào các trung tâm thương mại hay siêu thị. Kinh phí hỗ trợ của Nhà nước thì có hạn, không thể hỗ trợ nông dân mãi được. Vậy nên, chìa khóa để duy trì các tiêu chuẩn GAP vẫn là những giải pháp đồng bộ: đẩy mạnh và bảo vệ uy tín các sản phẩm GAP, hướng người tiêu dùng đến các sản phẩm GAP, tìm đầu ra ổn định cho chúng để người nông dân mạnh dạn theo đuổi GAP khi đã thấy được cái lợi. Khi đó, may ra nông dân mới không bỏ GAP.

VI LÂM

 

Tin xem nhiều