Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiệm vụ nặng nề

10:09, 04/09/2016

Sáng nay 5-9, cùng với cả nước, gần 654 ngàn học sinh, trẻ mầm non trong tỉnh sẽ chính thức bước vào năm học mới 2016-2017.

Sáng nay 5-9, cùng với cả nước, gần 654 ngàn học sinh, trẻ mầm non trong tỉnh sẽ chính thức bước vào năm học mới 2016-2017. Năm học này, ngành GD-ĐT cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đứng trước nhiệm vụ và thử thách khá nặng nề.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và nhiệm vụ năm học 2016-2017 của ngành GD-ĐT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá: “Nhiều hạn chế, yếu kém gần đây đã được khắc phục một bước nhưng chưa thật căn bản”. Thủ tướng cũng chỉ rõ một số giải pháp khắc phục, như: giảm tải chương trình học, không quá nghiêng về kiến thức chuyên môn mà cần phát triển toàn diện văn, thể, mỹ; đổi mới cách dạy ngoại ngữ, lịch sử, tăng cường giáo dục thể chất, chú trọng phát triển kỹ năng sống… nhằm hình thành nhân cách, văn hóa cho thế hệ trẻ. Đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường nghề nghiệp cần đảm bảo chất lượng theo nhu cầu của xã hội, tránh tình trạng thất nghiệp sau khi tốt nghiệp, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai khi hội nhập.

Nhìn lại, những yêu cầu trên của Thủ tướng không phải mới mẻ hay cao xa, mà đó là yêu cầu chung cần có của một nền giáo dục ở bất cứ quốc gia nào. Chỉ là những năm qua để đạt được những yêu cầu cơ bản này, ngành GD-ĐT đã đặt ra quá nhiều mục tiêu, giải pháp theo kiểu “dàn hàng ngang” nên kết quả đạt được chưa rõ rệt, chưa hữu hiệu. Những sự đổi mới của ngành chưa đạt được mục tiêu “căn bản” như đã đề ra, thiếu những cân nhắc cần thiết cũng như tham khảo ý kiến các chuyên gia đầu ngành nên tạo ra “hiệu ứng ngược”, như đề xuất tích hợp môn Lịch sử; thay đổi “xoành xoạch” trong phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng đều khiến phụ huynh và nhà trường đều hụt hẫng; Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học ban hành vội vã khiến giáo viên kêu trời, sau đó phải sửa đổi... Những bất cập, thiếu ổn định, lúng túng trong quá trình lãnh đạo, quản lý và thực hiện như trên của ngành khiến người dân không thể an lòng.

Ở Đồng Nai, thực hiện đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện, ngành đã có những hoạt động tích cực, như: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, triển khai đề án sữa học đường để phòng chống suy dinh dưỡng, nâng cao thể trạng trẻ mầm non, học sinh… Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành GD-ĐT là thiếu cơ sở vật chất. Những năm gần đây do tình trạng lao động nhập cư tăng cao nên những địa phương có nhiều khu công nghiệp, như: Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và đặc biệt là Biên Hòa lâm vào tình trạng thiếu trường lớp nghiêm trọng, học sinh phải học ca 3, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Ngay cả đề án dạy bơi cho học sinh - một trong những giải pháp để giảm thiểu, phòng chống đuối nước, đồng thời tăng cường giáo dục thể chất cho học sinh, đến nay ngành vẫn loay hoay chưa thể triển khai do không có quỹ đất, kinh phí xây dựng hồ bơi. Vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh hiện cũng mới triển khai được ở một số trường, chủ yếu là trường ngoài công lập do không có kinh phí, khó vận động phụ huynh đóng góp.

Bước vào năm học mới, ngành GD-ĐT của tỉnh cần mạnh mẽ khắc phục những khó khăn đã được nhận diện, chỉ rõ. Đây đều là những vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm qua, vì vậy ngành cần có những giải pháp đột phá và quyết tâm khắc phục hơn bao giờ hết.

HÀ LAM
 

Tin xem nhiều