Mạng xã hội facebook đang lan truyền nhanh đến chóng mặt về một đoạn clip và nhiều hình ảnh về trận ngập lụt nặng nề sau cơn mưa chiều 6-9 tại phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa.
Mạng xã hội facebook đang lan truyền nhanh đến chóng mặt về một đoạn clip và nhiều hình ảnh về trận ngập lụt nặng nề sau cơn mưa chiều 6-9 tại phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa. Mặc dù chuyện đường phố bị ngập sau mưa không phải là điều hiếm hoi, song những hình ảnh ấn tượng trong clip, như: xe máy bị xoáy vào vùng nước ngập, người dân ngã xuống đường, xe hơi bị ngập nước chết máy khiến người điều khiển phải dùng ca nhựa múc nước trong xe đổ ra… làm cho người dân ngày càng bất an vì có quá nhiều điều không an toàn chờ đợi họ khi lưu thông trên đường phố.
Hơn lúc nào hết, người dân mong chờ những biện pháp khả thi và nhanh được thực hiện để cải tạo hệ thống thoát nước cho đô thị, hạn chế tình trạng ngập sau mưa.
Thực ra, không phải đến lúc này chính quyền mới bàn đến chuyện nâng cấp hệ thống thoát nước cho thành phố. Dự án thoát nước và xử lý nước thải tại TP.Biên Hòa do Trung tâm thoát nước (thuộc Sở Xây dựng) làm chủ đầu tư, dự kiến sử dụng nguồn vốn ODA (khoảng 8.400 tỷ đồng) vay từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là dự án đã được tính toán từ cách đây 9 năm.
Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, hiện thành phố có khoảng trên 10 điểm ngập nước. Tuy nhiên, hầu hết đều là những điểm ngập nặng, có điểm ngập sâu lên đến trên 1m nếu mưa lớn. Hầu hết các điểm ngập này là do nước thoát không kịp do hệ thống thoát nước chưa được đầu tư bài bản, cống thoát nước mưa sử dụng chung với hệ thống thoát nước thải sinh hoạt trong khi cống lại nhỏ nên dẫn đến quá tải. Nếu dự án này được đầu tư sẽ tách được nguồn nước thải và nước mưa riêng biệt, hệ thống cống thoát nước được đấu nối đồng bộ sẽ giải quyết được tình trạng ngập của TP.Biên Hòa. Nhưng hiện giữa JICA và Trung tâm thoát nước còn thương thảo phương án đặt đường ống thoát nước (quy hoạch lại hệ thống thoát nước).
Nguyên nhân chính khiến thương lượng kéo dài trong nhiều năm là quan điểm thi công giữa 2 bên khác nhau, dẫn đến dự kiến nguồn vốn khác nhau. Trong thi công, Jica yêu cầu thực hiện khoan kích ngầm để đặt đường ống, phương án này làm đội chi phí dự án lên nhiều. Trong khi đó, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đưa ra phương án đào mở vẫn đảm bảo kỹ thuật an toàn và lợi ích của dự án, nhưng chi phí thấp hơn và thuận lợi hơn cho tỉnh trong việc thực hiện các quy hoạch chỉnh trang đô thị liên quan khác. Cuối tháng 8-2016, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam - ông Yasuo Fujita, trong buổi làm việc với UBND tỉnh đã cho biết tổ chức này vẫn chưa nhận được văn bản chính thức của dự án này từ Bộ Kế hoạch - đầu tư cho JICA, trong khi thời điểm duyệt vốn của Chính phủ Nhật Bản diễn ra vào tháng 3 hàng năm sắp tới. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho biết, hồ sơ của dự án đã được Bộ Kế hoạch - đầu tư trình Chính phủ và sẽ sớm có văn bản cho JICA.
Nếu trông chờ vào nguồn vốn ngân sách hoặc xã hội hóa từ các nhà đầu tư trong nước (thực tế cách làm này khó khả thi với các dự án hạ tầng mang tính an sinh, khó thu lãi), có lẽ chưa biết đến khi nào TP.Biên Hòa mới có được 8,4 ngàn tỷ đồng để thực hiện nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị - vốn đang quá tải trước tốc độ di dân và đô thị hóa. Vậy nên, cùng với các dự án hạ tầng khác, người dân đang rất mong chờ dự án này sớm được triển khai.
VI LÂM