Những cơn mưa lớn vừa qua đã khiến Biên Hòa ngập sâu, ngập nặng nhất trong vòng 20 năm qua. Rất nhiều khu vực nội ô Biên Hòa ngập sâu hơn 0,7m.Đã xảy ra vụ chết người thương tâm vì mưa lũ, ngập nặng; giao thông ở nhiều nơi tê liệt.
Những cơn mưa lớn vừa qua đã khiến Biên Hòa ngập sâu, ngập nặng nhất trong vòng 20 năm qua. Rất nhiều khu vực nội ô Biên Hòa ngập sâu hơn 0,7m.Đã xảy ra vụ chết người thương tâm vì mưa lũ, ngập nặng; giao thông ở nhiều nơi tê liệt. Đây là điều đã được dự báo trước và nếu các cơ quan có trách nhiệm không khẩn trương vào cuộc bằng những giải pháp khả thi thì tình hình ngập lụt ở Biên Hòa sẽ ngày càng trầm trọng.
Biên Hòa là một đô thị lớn với dân số đông, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và mạnh mẽ, đây là xu hướng và quy luật chung của sự phát triển xã hội. Trong quá trình đô thị hóa, nhiều không gian thoát nước không còn, tình trạng bê tông hóa, xi măng hóa ở nhiều nơi đã làm cho tiết diện có thể hứng và lưu trữ nước khi mưa lũ giảm. Dân số tăng nhanh, nhất là dân số cơ học, vì vậy các công trình xây dựng, nhà ở mọc lên nhiều hơn, đồng nghĩa với việc các không gian chứa nước, thoát nước dần bị thu hẹp. Nhiều hồ, kênh rạch tự nhiên đã bị san lấp phục vụ cho xây dựng các công trình. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân nhiều nơi quá kém. Không khó để nhận ra các con suối, rạch đã bị chính người dân vứt rác làm tắc dòng chảy…
Tất nhiên, Đồng Nai có lợi thế trong việc chống ngập từ giải pháp về kinh phí, đó là tỉnh đã nhận được sự ủng hộ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam. Vào ngày 6-9 vừa qua, tổ chức này đã thúc giục Đồng Nai tiến hành nhanh các thủ tục để có thể giải ngân nguồn vốn và bắt tay vào thực hiện. Đồng Nai cũng đã ban hành và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để có thể hạn chế bớt tình trạng ngập lụt hiện nay. Thế nhưng, những trận mưa lớn vừa qua làm không chỉ Biên Hòa mà cả các địa phương khác trên địa bàn tỉnh ngập nặng đã là cảnh báo nghiêm khắc nếu các cơ quan có trách nhiệm không kịp thời can thiệp.
Để giải quyết vấn nạn này không phải dễ dàng và có thể mang lại hiệu quả ngay tức thì. Trước hết, cần một nguồn kinh phí khổng lồ và có thể có nhiều tiền cũng chưa chắc đã giải quyết tốt vấn đề. Vấn đề thoát nước, chống ngập cho đô thị Biên Hòa nói riêng, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh nói chung không thể đòi hỏi mang lại hiệu quả ngay tức thì trong ngày một, ngày hai. Nhưng nếu các cơ quan có trách nhiệm không gấp rút vào cuộc thì không chỉ 5 năm tới mà có thể nhiều năm tới vẫn khó có thể giải quyết căn cơ, triệt để vấn nạn này.
Có lẽ ngay từ bây giờ, từ khâu quy hoạch, xây dựng, các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh cần tính toán thật cụ thể, chi tiết, cần tầm nhìn cho cả vài trăm năm sau bằng cách phải giữ lại không gian thoát lũ, những dòng kênh, hồ nhân tạo. Cần giải quyết tận gốc hiện tượng “ăn xổi”, cứ san ủi, lấp hết các kênh rạch tự nhiên. Các vỉa hè, khu công viên, sân bãi công cộng… cần có quy định chặt chẽ về việc lát bằng loại gạch, đá hoặc bê tông có lỗ rỗng để thoát nước. Nếu không tất cả nước mưa sẽ chỉ còn cách chảy xuống ống cống và khi ấy sẽ không có hệ thống ống cống nào chịu nổi. Và, vấn đề quan trọng nhất chính là nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, chống ngập cho đô thị bằng việc hãy tận dụng mọi khoảng không gian để trồng cây, tận dụng mọi khoảng trống để lưu giữ và thoát nước, hạn chế phân lô bán nền với diện tích quá nhỏ, đổ rác đúng nơi quy định…
Tất cả những giải pháp đồng bộ và kịp thời sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất giúp Biên Hòa giảm ngập.
NGỌC ANH