Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ gìn giá trị Tết Trung thu

10:09, 12/09/2016

Tết Trung thu là một lễ hội đặc biệt của một số quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á, trong đó có nước ta. Với khu vực có nền văn minh lúa nước, trung thu có ý nghĩa ban đầu là tết đoàn viên, vào ngày rằm tháng tám cả gia đình quây quần bên nhau để cúng trăng, mừng thu hoạch được mùa, các cô gái nhân dịp này làm các món bánh để trổ tài khéo, chủ yếu là bánh nướng và bánh dẻo, ngày nay gọi chung là bánh trung thu.

Tết Trung thu là một lễ hội đặc biệt của một số quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á, trong đó có nước ta. Với khu vực có nền văn minh lúa nước, trung thu có ý nghĩa ban đầu là tết đoàn viên, vào ngày rằm tháng tám cả gia đình quây quần bên nhau để cúng trăng, mừng thu hoạch được mùa, các cô gái nhân dịp này làm các món bánh để trổ tài khéo, chủ yếu là bánh nướng và bánh dẻo, ngày nay gọi chung là bánh trung thu.

Việt Nam còn có phong tục múa lân vào đêm trung thu và hát trống quân. Dần dần, Tết Trung thu hướng tới trẻ em nhiều hơn và được xem như một ngày tết cho trẻ em. Đêm trung thu trẻ em chơi rước đèn và “phá cỗ” là các loại bánh kẹo, đặc biệt là món bánh trung thu.

Thời đất nước khó khăn, Tết Trung thu cũng giản lược phần nào, đêm trung thu thiếu vắng những chiếc đèn lồng lộng lẫy, bánh trung thu cũng chỉ là những chiếc bánh thô cứng bán ở cửa hàng quốc doanh, nhưng niềm vui của trẻ con thì không thay đổi. Nhiều thế hệ trẻ em đã vui trung thu với những chiếc đèn ông sao, đèn đồng tiền, đèn hình các loại thú tự làm bằng tre, trúc dán giấy màu, thậm chí cả giấy tập, hay những chiếc “đèn” tự chế bằng vỏ lon sữa bò, không có nến thắp thì cắt cả vỏ xe cũ để đốt, ánh sáng vẫn lung linh. Tiếng ca hát lúc rước đèn, reo hò khi phá cỗ vẫn ấm áp khắp thôn xóm.

Có một thời, bánh trung thu trở thành “biểu tượng” của việc quà cáp, biếu xén lấy lòng cấp trên. Có cung tất có cầu, nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất những chiếc bánh trung thu giá hàng triệu đồng, bao bì sang trọng, nguyên vật liệu dùng toàn những thứ đắt tiền như bào ngư, vi cá. Có nhà “sếp lớn” sau Tết Trung thu vứt bỏ hàng chục hộp bánh trung thu bị hư, mốc vì để lâu ăn không hết. Và cũng có một thời, trẻ em nghèo không thể nào biết đến vị bánh trung thu, chỉ có thể đứng bên đường thèm thuồng ngắm nhìn những chiếc bánh sang trọng, những chiếc đèn lộng lẫy.

Đời sống ngày càng phát triển, cộng đồng cũng ngày càng quan tâm hơn đến niềm vui tinh thần lẫn vật chất của trẻ em. Từ nhiều năm nay, phong trào chăm lo cho trẻ em nghèo vui trung thu ngày càng nở rộ khắp nơi, từ các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương cho đến các nhóm từ thiện xã hội. Hầu hết các đoàn, nhóm từ thiện kêu gọi đóng góp tiền, bánh kẹo, lồng đèn sau đó mang đến tặng cho trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa; có đoàn chu đáo hơn thì tổ chức thêm các hoạt động vui chơi, thêm tính giải trí. Với trẻ em nghèo quanh năm thiếu thốn, được phần quà là cái bánh trung thu, chiếc đèn và được vui chơi quả là niềm vui bất ngờ và khó quên.

Tuy nhiên, cách làm này của các đoàn, nhóm từ thiện đang dần bộc lộ điều chưa ổn, đó là vô tình tạo nên tính cách thụ động, ỷ lại đối với trẻ em thụ hưởng. Ở nhiều địa phương, thời gian qua một số hộ nghèo bắt đầu hình thành tâm lý cứ vào các dịp lễ, tết là trông chờ vào các đoàn từ thiện. Trẻ em cũng vậy, các em dần có tâm lý đón nhận sự quan tâm của xã hội như một điều đương nhiên, không cần bỏ công sức cũng có quà tặng, trở thành “chủ thể thụ động”. Nếu như các đoàn thể, nhóm từ thiện thay đổi phương thức hoạt động, không chỉ “bỏ của” mà còn bỏ công hướng dẫn các em tự làm lồng đèn trung thu, làm bánh, thậm chí tự tổ chức trung thu thì ý nghĩa sẽ lớn hơn nhiều.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội hiện đại, những giá trị truyền thống của Tết Trung thu đã bị mai một phần nào. Trẻ em ngày nay không chỉ cần được hưởng thụ mà còn cần được giáo dục để gìn giữ những nét văn hóa cổ truyền từ bao đời nay của cha ông ta trong ngày Tết Trung thu không bị phai nhạt và luôn tràn đầy ý nghĩa.

HÀ LAM

Tin xem nhiều