Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi mới chương trình bình ổn giá

09:09, 11/09/2016

Năm 2011, chương trình bình ổn giá ra đời trong bối cảnh chỉ lãi suất cao ngất ngưởng đến gần 20%/năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng đến gần 19%, đồng nghĩa với giá hàng hóa thường xuyên tăng vọt ở mức bình quân 20%. Người tiêu dùng kêu ca vì kinh tế khó khăn, chi tiêu đắt đỏ, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu không thể tiết kiệm.

Năm 2011, chương trình bình ổn giá ra đời trong bối cảnh chỉ lãi suất cao ngất ngưởng đến gần 20%/năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng đến gần 19%, đồng nghĩa với giá hàng hóa thường xuyên tăng vọt ở mức bình quân 20%. Người tiêu dùng kêu ca vì kinh tế khó khăn, chi tiêu đắt đỏ, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu không thể tiết kiệm.

Nội dung chủ yếu của chương trình là UBND tỉnh ứng vốn ngân sách tạm thời nhàn rỗi hoặc sử dụng ngân sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình. Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh, dự trữ lượng hàng hóa (có danh mục riêng), bảo đảm số lượng, chất lượng, giá cả và các điều kiện khác. Doanh nghiệp phải đăng ký giá và cam kết bán hàng bình ổn giá với giá thấp hơn giá thị trường từ 5-10% hoặc cao hơn, trường hợp giá thị trường có biến động cần điều chỉnh giá phải báo cáo cơ quan quản lý xem xét. Khi kết thúc thời gian thực hiện, doanh nghiệp có trách nhiệm thu hồi vốn, hoàn trả lại vốn.

Danh mục các mặt hàng bình ổn giá tùy thuộc nhu cầu các năm, chủ yếu là các mặt hàng như: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gà, trứng gà, bột ngọt, nước chấm, sách giáo khoa, vở học sinh, thuốc tân dược. Chương trình này hàng năm thu hút trên 50 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia.

Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã được Chính phủ điều tiết mạnh bằng nhiều biện pháp và chỉ còn tăng trong mức cho phép, thấp hơn so với tỷ lệ mất giá của tiền đồng. Cụ thể, CPI năm 2012 chỉ tăng 6,81%; năm 2013 tăng 6,04%; năm 2014 chỉ tăng 4,09% và năm 2015 chỉ tăng 0,63%. Nếu nhìn ở góc độ góp phần điều tiết giá thị trường, có vẻ chương trình bình ổn giá không còn cần thiết. Chưa kể, thị trường đang rất dồi dào hàng hóa cả nội lẫn ngoại với giá bán ngày càng rẻ hơn, có sự góp phần không nhỏ của những hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký để mở rộng thị trường. Thêm vào đó, sức lan tỏa của chương trình phải thừa nhận là không nhiều bởi dù có hàng chục doanh nghiệp tham gia, song với lượng vốn hỗ trợ có hạn và hệ thống phân phối yếu, không phải người dân nào cũng có thể mua được hàng bình ổn giá.

Vậy, vấn đề đặt ra là nên ngừng hay nên tiếp tục thực hiện chương trình? Phải thừa nhận, bình ổn giá là một trong những chương trình có tính nhân văn cao, mặc dù đo đếm về hiệu quả và tính lan tỏa thì tại các địa phương (ngoài 2 thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội) vẫn chưa nhiều. Khi vào mùa cao điểm tiêu thụ hàng hóa, bảng giá mà chương trình đưa ra có tác dụng như một mức giá tham khảo để cả người dân lẫn cơ quan quản lý nhìn vào đó để biết rằng các mặt hàng cùng loại trên thị trường có khả năng đang bị làm giá hay không, từ đó có những điều chỉnh hoặc can thiệp nhất định nhằm bình ổn thị trường.

Cân nhắc giữa việc giữ hay không giữ chương trình là việc mà nhà quản lý cần suy nghĩ, nhưng nếu tiếp tục, có lẽ cần có những đổi mới phù hợp để chương trình có hiệu quả hơn. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh khẳng định, Đồng Nai sẽ tiếp tục duy trì chương trình bình ổn giá quanh năm và yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cùng tham gia chương trình để mở thêm nhiều điểm bán hàng bình ổn tại các huyện, thị, thành để ổn định thị trường. Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp, hợp tác xã để dự trữ hàng hóa, để khi biến động có thể kiểm soát được thị trường.

KIM NGÂN

Tin xem nhiều