Thông tin về một bé trai 9 tuổi đi xe đạp đâm vào xe ba gác chở tôn đậu trên đường ngày 23-9 tại Hà Nội và tử vong đã làm cho mọi người bàng hoàng, đau xót.
Thông tin về một bé trai 9 tuổi đi xe đạp đâm vào xe ba gác chở tôn đậu trên đường ngày 23-9 tại Hà Nội và tử vong đã làm cho mọi người bàng hoàng, đau xót. Phó thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Trương Hòa Bình đã gửi lời chia buồn và để kịp thời ngăn chặn những vụ tai nạn tương tự, Ủy ban ATGT quốc gia đã có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội đề nghị chấn chỉnh hoạt động của xe thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh tham gia giao thông.
Bao nhiêu câu hỏi đã được đưa ra sau tai nạn thương tâm này: cảnh sát giao thông ở đâu? Tại sao người chở xe ba gác cồng kềnh không có phương án bảo vệ? Giá như cảnh sát giao thông quyết liệt và trách nhiệm hơn… Giá như, giá như, hàng loạt câu hỏi giá như được đưa ra trong lúc này cũng trở thành vô nghĩa bởi hậu quả đã xảy ra và vô cùng thảm khốc: cháu bé đáng thương đã qua đời. Chỉ đạo của Ủy ban ATGT quốc gia là kịp thời trong lúc này để mong rằng sẽ không còn xảy ra những chuyện thương tâm.
Có lẽ chỉ đến khi “chuyện đã rồi” thì dư luận mới giật mình thảng thốt và lên tiếng, bởi lúc bình an mấy ai nghĩ tới chuyện này. Vấn nạn xe thô sơ chở cồng kềnh ngang nhiên chạy bạt mạng giữa thanh thiên bạch nhật, coi thường mạng sống của người khác diễn ra hàng ngày ở khắp mọi nơi chứ không riêng gì Hà Nội. Hãy đi vào những con đường bên Hóa An, Trảng Dài xem những “xe vua… con” này có ép người tham gia giao thông vào tận chân tường hay không. Câu chuyện thương tâm này là lời cảnh tỉnh chung chứ không riêng gì Hà Nội. Chỉ đạo của Ủy ban ATGT quốc gia phải được xem là chỉ đạo trên toàn quốc để các tỉnh, thành lập lại trật tự giao thông từ câu chuyện đau lòng này.
Nếu người chở những hàng cồng kềnh như chiếc xe chở tôn kia chịu khó một chút, cẩn trọng hơn một chút cuốn tròn những tấm tôn kia lại hoặc lấy những nùn rơm, bao tải bao bọc xung quanh chắc chắn đã không có tai nạn thương tâm này. Trong thực tế, không phải tất cả mọi người chạy xe ba gác đều bất cẩn, đều coi thường tính mạng của người khác. Từ ngày 1-1-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32 về cấm xe 3-4 bánh thô sơ, tự chế lưu thông trên toàn quốc. Thế nhưng hình như quy định này đã bị nhiều nơi xem nhẹ và cho qua.
Thật ra, sau sự việc đau lòng này cũng có những ý kiến bày tỏ lòng cảm thông với người chở xe ba gác vì nghèo mà phải mưu sinh. Thế nhưng mạng sống của con người là quý nhất, không thể đem bất kỳ lý do gì để biện minh cho những hành động coi thường mạng sống của người khác. Và, cũng vì vậy, đừng viện lý do nghèo túng để bào chữa cho hành động coi thường mạng sống của người khác. Trên đời này có ai không phải mưu sinh?
Thực ra, không chỉ có hiện tượng xe ba gác tự chế chở hàng cồng kềnh không có bảo vệ mà trong lưu thông giao thông còn muôn hình vạn trạng những kiểu coi thường tính mạng người tham gia giao thông khủng khiếp hơn. Có những người vác cả xà beng, những cây sắt dài nhọn hoắt vẫn bon bon trên từng cây số trên những chiếc xe máy cà tàng.
Tất cả những trường hợp chở đồ cồng kềnh nguy hiểm, những kiểu tham gia giao thông coi thường tính mạng người khác cần phải bị nghiêm cấm và nghiêm trị. Nếu cảnh sát giao thông kiên quyết xử phạt thì chắc chắn sẽ hạn chế và không có những tai nạn thương tâm như câu chuyện này.
Mong sẽ không còn phải đọc những thông tin đau xót kiểu này trên báo.
TRUNG KIÊN