Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) ở Đồng Nai hiện thấp hơn so với bình quân chung của cả nước đến 5%. Đây là một vấn đề đặt ra cho một tỉnh phát triển, có phần đông dân số phải bỏ tiền ra để mua thẻ BHYT.
Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) ở Đồng Nai hiện thấp hơn so với bình quân chung của cả nước đến 5%. Đây là một vấn đề đặt ra cho một tỉnh phát triển, có phần đông dân số phải bỏ tiền ra để mua thẻ BHYT.
Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp để tháo gỡ khó khăn này. Một vấn đề được xác định rõ ràng là để gia tăng số người tham gia BHYT, không còn cách nào khác là phải tập trung cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh và cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh. Đây là một hướng đi rất đúng và hợp lòng dân. Làm sao để người tham gia BHYT thấy được quyền lợi của mình, để không còn cảm giác bị phân biệt đối xử giữa khám BHYT và khám dịch vụ? Đây cũng là những vấn đề mà lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Mới đây, tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội Đồng Nai cùng các sở, ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh tháo gỡ khó khăn trong phát triển BHYT toàn dân, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh và Sở Y tế phải ngồi lại để rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của các cơ sở y tế. “Có bệnh thì người dân mới cần tới bệnh viện, chứ ở bệnh viện có sung sướng gì. Cần linh động giải quyết cho bệnh nhân, nhất là ưu tiên cho bệnh nhân có thẻ BHYT để họ không phải đi lại nhiều lần, không phải chờ đợi lâu. Có như vậy, người dân mới thấy được quyền lợi của mình khi được tham gia BHYT” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nhấn mạnh.
Về vấn đề quyền lợi của người tham gia BHYT đã được các cơ quan bảo hiểm xã hội tập trung tuyên truyền rất nhiều nhưng ý thức người dân về BHYT còn hạn chế. Vẫn còn nhiều hộ gia đình chỉ ưu tiên mua thẻ BHYT cho người có bệnh, người già và trẻ em, còn người lao động chính trong gia đình không mua. Đó là một thực trạng đáng buồn. Qua đó cho thấy ý thức trách nhiệm, chia sẻ với cộng đồng còn chưa cao. Đây cũng là một vấn đề cần được tập trung tuyên truyền kỹ hơn nữa, sâu hơn nữa bằng những hình thức cụ thể, sinh động hơn; tuyên truyền đến khi nào người dân hiểu được mua BHYT không chỉ có lợi cho mình mà còn góp phần chia sẻ cho nhiều người bệnh khác, trong đó có thể có người thân của mình, là một cách giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội thì mới thành công.
Cần nói thêm rằng, trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT không chỉ riêng cơ quan bảo hiểm xã hội mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thực tế, hiện nay vẫn còn lãnh đạo một số địa phương còn chưa chú trọng thực hiện nhiệm vụ này hoặc thực hiện chưa quyết liệt, chưa thực sự xem nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia BHYT là trách nhiệm của địa phương mình.
Tại cuộc họp do Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái chủ trì để tháo gỡ những khó khăn trong phát triển BHYT toàn dân vừa qua, dù đã mời đích danh chủ tịch UBND cấp huyện, nhưng chỉ có phó chủ tịch UBND cấp huyện đi dự, thậm chí có địa phương chỉ cử lãnh đạo phòng y tế đi dự thay. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã thẳng thắn phê bình các địa phương này vì cho rằng lãnh đạo các địa phương còn “coi thường” lĩnh vực phát triển thẻ BHYT, trong khi đây là một trong những trụ cột quan trọng của an sinh xã hội, tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một khi người đứng đầu chưa thấy được tầm quan trọng, tính nhân văn của BHYT thì rất khó triển khai, vận động cả cộng đồng, xã hội cùng đồng thuận tham gia BHYT toàn dân.
NGỌC THƯ