Khoảng 3 năm nay, nhu cầu nhập khẩu thịt heo từ Việt Nam của Trung Quốc ngày càng tăng và không ít lần chi phối giá thị trường.
Khoảng 3 năm nay, nhu cầu nhập khẩu thịt heo từ Việt Nam của Trung Quốc ngày càng tăng và không ít lần chi phối giá thị trường. Theo giải thích của thương lái, Trung Quốc đang đứng trước tình trạng “cung không đủ cầu” nên nhập khẩu thịt heo từ Việt Nam ồ ạt, lý do chính là giá rẻ. Cũng theo đó, người Trung Quốc chuộng thịt mỡ nên thương lái thường gom heo quá ngày, có trọng lượng lớn (trên 120kg) chứ không phải vì “âm mưu” hay có “lối làm ăn bí ẩn” nào.
Công bằng mà nói, nhu cầu nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc trong thời gian qua đã giúp người chăn nuôi có lãi do không bị bí đầu ra. Nhưng cũng như nhiều loại nông sản khác, heo thịt Việt Nam đang sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, mua đến đâu biết đến đấy và người chăn nuôi dường như không có bất kỳ thông tin nào về nhu cầu tiêu thụ, giá cả thực sự của thịt heo ở Trung Quốc. Điều này dẫn đến khả năng là nhóm thương lái chuyên mua heo xuất khẩu tiểu ngạch dễ dàng “làm giá” với người chăn nuôi. Nặng nề hơn, do không có thông tin chính thức nên người chăn nuôi dễ dàng đầu tư chuồng trại, tăng đàn để phục vụ nhu cầu trước mắt mà thiếu sự cân nhắc đầy đủ, dẫn đến thua lỗ.
Đơn cử, giá heo hơi tại Đồng Nai - thủ phủ nuôi heo phía Nam, thời gian qua liên tục nhảy múa. Trong đó, có những đợt giá heo hơi đang ở mức 39 ngàn đồng/kg vào cuối tháng 2, khi thương lái ồ ạt thu gom heo xuất đi Trung Quốc, đẩy giá heo hơi tăng đến mức đỉnh từ trước đến nay là 57 ngàn đồng/kg. Thời điểm đó, người chăn nuôi ồ ạt tăng đàn vì con heo mang lại lợi nhuận “khủng”. Nhưng chỉ hơn 1 tháng sau đó, cũng không hề có dấu hiệu gì báo trước, heo hơi bất ngờ rớt giá chỉ còn 33-34 ngàn đồng/kg vào cuối tháng 4. Và biểu đồ giá heo cứ liên tục lên xuống hàng ngày, hàng tuần suốt thời gian qua. Hiện các trang trại lớn đang xuất bán heo hơi với giá từ 45-47 ngàn đồng/kg.
Một điều đáng lo ngại nữa là về lâu dài, chăn nuôi heo nói riêng và sản xuất nông sản nói chung đi theo một “chuẩn” quá đặc biệt và quá thấp như nuôi heo mỡ bán sang Trung Quốc, có thể gây hại cho chính nông nghiệp trong nước. Có lẽ sẽ chẳng còn bao nhiêu nông dân mặn mà với việc xây dựng các chuỗi liên kết lâu dài, xây dựng và giữ gìn thương hiệu, giảm giá thành, nâng chất lượng hay tuân thủ quy trình sản xuất heo sạch theo tiêu chuẩn GAP. Bởi chỉ cần bán qua Trung Quốc thu lời trước mắt là đủ, mặc dù không biết ngày tháng nào thì thương lái ngừng mua.
Không ai giàu kinh nghiệm cho bằng người nông dân trên mảnh ruộng của mình. Song ở thời hàng ngoại về tận chợ xóm, chợ làng, có lẽ kinh nghiệm cũng cần thêm thông tin từ nhiều hướng để hạn chế thua lỗ, đặc biệt nông dân nuôi heo thời nay đầu tư tiền tỷ, vốn vay ngân hàng, thua một lần thì khó gầy dựng lại. Một chuyên gia của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn nhận định đối với Trung Quốc, heo hơi từ Việt Nam sang chủ yếu vẫn là mua chui và có thể bị thương lái phía bên kia biên giới “đóng cửa” bất kỳ lúc nào. Bởi theo danh sách các quốc gia/khu vực đáp ứng yêu cầu và được cấp phép xuất khẩu thịt (bao gồm thịt heo) sang Trung Quốc do Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc công bố cuối tháng 4 vừa qua, thì Việt Nam không có tên trong danh sách này. Vậy nên, người chăn nuôi cần tính kế lâu dài để không rơi vào bế tắc: trong nước dùng thịt ngoại do giá rẻ, chất lượng tốt; thịt nội phẩm chất kém chực chờ xuất ở cửa khẩu sang những thị trường dễ tính với tất cả sự bấp bênh.
Vi Lâm