Trong tháng 8-2016, đồng chí Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đã có các chuyến thị sát, làm việc với một số trường nghề trong tỉnh nhằm tìm hiểu công tác dạy và học cũng như những khó khăn, vướng mắc mà các trường này đang gặp phải.
Trong tháng 8-2016, đồng chí Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đã có các chuyến thị sát, làm việc với một số trường nghề trong tỉnh nhằm tìm hiểu công tác dạy và học cũng như những khó khăn, vướng mắc mà các trường này đang gặp phải. Đây là một nội dung quan trọng được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm nhằm tìm giải pháp gỡ khó cho các trường nghề, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu về nguồn lao động kỹ thuật chất lượng cao mà Đồng Nai đang thiếu.
Không phải đến bây giờ, khi có dịp bày tỏ nỗi lòng với lãnh đạo tỉnh, hiệu trưởng các trường nghề mới than thở về bài toán khó tuyển sinh, mà nhiều năm nay tình trạng học viên “chê” trường nghề đã khiến không ít trường rơi vào tình trạng “sống dở chết dở”. Quá ít học viên theo học, thu không đủ chi, giáo viên bỏ việc tìm môi trường mới... trong khi cơ sở vật chất của trường nghề khá hiện đại, khang trang, là nghịch lý tồn tại từ lâu, nhưng các trường vẫn còn loay hoay chưa tìm được giải pháp thu hút phù hợp.
Tại sao lại xảy ra nghịch lý trên, khi mà trường nghề luôn mở cửa “vét” học viên còn thị trường lao động lại thiếu trầm trọng lao động kỹ thuật cao theo chuẩn quốc tế? Câu trả lời chính là các trường vẫn còn chưa chủ động trong công tác đào tạo; thiếu nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu của xã hội và việc mở rộng liên kết đào tạo với các trường nghề uy tín trên thế giới hay việc hợp tác với doanh nghiệp chưa được thường xuyên, chặt chẽ. Tất nhiên, để làm được điều này không dễ, nhất là đối với các trường đã quen với “xin - cho”, sống nhờ ngân sách. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy đã có những trường nghề sống tốt, sống khỏe nhờ chính sự năng động, dám nghĩ dám làm của mình.
Để thay đổi suy nghĩ của người dân về chất lượng đào tạo và cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp từ trường nghề phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của chính ngôi trường ấy. Nhất là khi không ít trường đại học được phép tuyển hệ cao đẳng, trung cấp nghề thì trường nghề lại phải càng nỗ lực đổi mới một cách toàn diện để thu hút người học. Tất nhiên, việc tính toán lại cơ cấu đào tạo phải xuất phát từ yêu cầu thực tế, trong đó đặc biệt chú ý đến môi trường hội nhập cùng những cam kết của Việt Nam khi tham gia vào các hiệp định đối tác trong khu vực và thế giới.
Theo dự báo của Sở Lao động - thương binh và xã hội, trong giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai sẽ cần khoảng 40 ngàn lao động/năm để cung cấp cho doanh nghiệp. Thị trường lao động cũng sẽ có nhiều biến động, trong đó có sự dịch chuyển lao động mạnh mẽ giữa các địa phương trong nước và đặc biệt là trong khu vực ASEAN. Việc người lao động không chỉ giỏi nghề mà phải còn đảm bảo các yêu cầu về ngoại ngữ, tin học là tất yếu trong thế giới hội nhập. Vì vậy, nếu không chuẩn bị tốt tâm thế thì không ít trường nghề sẽ tự giết chết mình ngay trên sân nhà, và dòng chảy học viên đi tìm những cơ hội học nghề trong khu vực là khó tránh khỏi.
MINH NGỌC