Cách đây mấy chục năm, trẻ con thường được người lớn dẫn đi cúng đình, chùa. Trước cửa chùa có 2 tượng hộ pháp rất lớn, đó là ông Thiện và ông Ác. Ông Thiện ghi chép điều tốt còn ông Ác ghi chép điều xấu của mỗi con người.
Cách đây mấy chục năm, trẻ con thường được người lớn dẫn đi cúng đình, chùa. Trước cửa chùa có 2 tượng hộ pháp rất lớn, đó là ông Thiện và ông Ác. Ông Thiện ghi chép điều tốt còn ông Ác ghi chép điều xấu của mỗi con người. Sau khi qua đời, nếu ai làm ác nhiều hơn sẽ bị đày xuống địa ngục.Trong chùa cũng có vẽ cảnh xử tội nhân ở 18 tầng địa ngục với các hình phạt rất đáng sợ. Vì vậy, trẻ nhỏ sẽ tự giác tránh xa điều xấu, cố gắng làm điều tốt. Bỏ qua yếu tố “mê tín dị đoan” thì đây là một trong những cách điều chỉnh hành vi trẻ nhỏ thông qua tín ngưỡng rất hiệu quả.
“Dạy con từ thuở còn thơ”, con người nếu muốn hình thành nhân cách phải có sự giáo dục và điều chỉnh suy nghĩ, hành vi ngay từ nhỏ cho đến suốt cuộc đời. Sự giáo dục/ điều chỉnh này đến từ môi trường sống xung quanh, gồm: gia đình, cộng đồng, trường học. Sách vở không thiếu những câu chuyện về việc giáo dục/ điều chỉnh nhân cách trẻ, như: chuyện mẹ của Mạnh tử 3 lần dời nhà để con ham thích học hành, không bị nhiễm thói hư tật xấu; thầy Chu Văn An luôn dạy học trò phải biết yêu thương dân, cảm hóa một học trò của ông vốn là thủy thần đã hy sinh cứu dân thoát khỏi hạn hán. Ở nhiều làng phía Bắc đưa vào hương ước quy định xử phạt những người không giữ gìn thuần phong mỹ tục, như: không hiếu kính ông bà, cha mẹ, uống rượu gây huyên náo, trộm cắp, gian dâm… bằng các hình thức nhẹ thì phạt tiền, đánh roi, nặng thì tước bỏ ngôi thứ trong sổ làng, đuổi ra khỏi làng.
Cùng với sự phát triển kinh tế, hội nhập văn hóa, xã hội Việt Nam cũng ngày càng biến đổi theo hướng đề cao cái tôi cá nhân, giảm dần sự ràng buộc vào cộng đồng, tăng tính thực dụng. Trong nhà trường, các giáo viên chỉ nặng về truyền đạt nội dung kiến thức cho học sinh, xem nhẹ phần giáo dục nhân cách. Để đáp ứng nhu cầu cao về vật chất, trong nhiều gia đình cha mẹ mải mê kiếm tiền, ít quan tâm chặt chẽ, sâu sát đến con cái. Một cán bộ công an nhận xét khi học sinh vi phạm pháp luật thì có đến 95% phụ huynh tỏ ra bất ngờ, không tin vì “con tôi ở nhà ngoan lắm”.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, trong năm 2015 cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau. Tình trạng bạo lực trong trường học được nhận định diễn ra “nóng bỏng” trên khắp cả nước ở tất cả những cấp học, mức độ ngày càng gia tăng, hậu quả ngày càng nghiêm trọng; trong đó phổ biến ở độ tuổi từ 12-17. Theo tâm lý học, đây là giai đoạn hình thành nhân cách ở con người, đồng thời là độ tuổi có sự chuyển biến mạnh về tâm lý của bản thân, không ổn định và cái tôi cá nhân quá cao nhưng không biết sử dụng đúng cách dễ dẫn đến sự bức bối muốn giải thoát, vì thế chỉ cần có sự tác động kích thích xấu từ thế giới bên ngoài là có thể ngã theo. Sự phát triển thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, thiếu khả năng ứng xử của bản thân, non nớt trong kỹ năng sống, sai lệch trong quan điểm sống càng dễ dẫn đến thái độ sai trong nhận thức cũng như hành động. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường.
Thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của tình trạng bạo lực học đường đã được nhận ra, thậm chí giải pháp khắc phục cũng được chỉ rõ, nhưng trong thực tế mối liên kết giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong phòng ngừa tình trạng bạo lực học đường vẫn còn quá mơ hồ, lỏng lẻo, chậm chuyển biến. Dù ngành giáo dục đưa ra mục tiêu là phát triển toàn diện, nhưng một khi nội dung giáo dục các mặt: đức dục, trí dục, thể dục, giáo dục lao động... vẫn còn được xem là ngoại khóa, công tác phối hợp với gia đình học sinh vẫn còn mang tính hình thức, chỉ liên hệ khi xảy ra chuyện, “méc” hay “mắng vốn” là chủ yếu thì bạo lực học đường vẫn sẽ tiếp tục làm “nhức đầu” xã hội. Đừng để “nước tới chân mới nhảy”, khi đó đã muộn!
Hà Lam