Báo Đồng Nai điện tử
En

Niềm tin của nhân dân

09:08, 31/08/2016

Những ngày này của 71 năm trước, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Nếu không có niềm tin làm sao có cuộc cách mạng vĩ đại ấy? Không có niềm tin, làm sao Chính phủ mới có thể đứng vững trước thời điểm muôn ngàn khó khăn thách thức ấy?

Những ngày này của 71 năm trước, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Nếu không có niềm tin làm sao có cuộc cách mạng vĩ đại ấy? Không có niềm tin, làm sao Chính phủ mới có thể đứng vững trước thời điểm muôn ngàn khó khăn thách thức ấy?

Cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại là cuộc cách mạng của toàn dân, của tất cả mọi người con dân đất Việt không phân biệt tôn giáo, dân tộc đã tự nguyện đứng dưới lá cờ tập hợp của Việt Minh với mục tiêu đúng đắn là giành độc lập cho Tổ quốc và đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Ngay sau khi nước cộng hòa non trẻ ra đời, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng, thế nhưng bằng niềm tin vào chính phủ mới, nhiều gia đình, cá nhân trong cả nước đã đóng góp rất nhiều tiền của cho ngân khố quốc gia. Chỉ riêng gia đình nhà tư sản nổi tiếng Hà Nội là Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ đã đóng góp cho cách mạng 5.147 lượng vàng, quy ra tiền bằng khoảng 3 lần ngân khố quốc gia khi ấy. Một thành viên của Ủy ban Dân tộc giải phóng, sau này là Thứ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Cụ Hồ - nhà cách mạng Nguyễn Hữu Đang đã kể lại khi đi vận động ngân sách cho Chính phủ, rất nhiều người dân thuộc mọi tầng lớp đã tháo cả trang sức, thậm chí cả nhẫn cưới đeo trên tay để ủng hộ cho cách mạng mà không đòi hỏi bất kỳ một tờ giấy biên nhận nào. Cái gì đã tạo ra niềm tin to lớn ấy của nhân dân đối với Chính phủ? Sở dĩ nhân dân tin tưởng vào Chính phủ, đóng góp sức người, sức của cho Chính phủ là do họ tin vào đường lối của Việt Minh khi ấy, tin vào những nhà lãnh đạo khi ấy và hiểu rằng tất cả những đóng góp của họ sẽ được dùng đúng mục đích vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.

71 năm sau ngày Cách mạng tháng Tám, niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước ở nhiều nơi đang bị giảm sút nghiêm trọng. Nguyên nhân có thể rất nhiều, nhưng những nguyên nhân chính vẫn không nằm ngoài những hạn chế, yếu kém mà các nghị quyết của Đảng đã chỉ ra. Đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; là tình trạng tham ô, tham nhũng, lãng phí, hách dịch, cửa quyền của một số cán bộ, đảng viên đã làm cho nhân dân giảm sút niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Suy cho cùng, Đảng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối; Nhà nước quản lý xã hội bằng chính sách. Thước đo của lòng dân với Đảng và Nhà nước chính là ở việc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có phù hợp, có đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân hay không. Vì vậy, những chủ trương, chính sách đúng đắn cùng đội ngũ cán bộ công chức gương mẫu, hết lòng vì việc công chính là “phương thuốc” hữu hiệu nhất để lấy lại niềm tin của nhân dân.

Sáng 17-8, tại hội nghị cải cách hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Cán bộ làm gì dân cũng biết, chứ không phải là không biết đâu. Chúng ta phải hiểu như thế để đề cao trách nhiệm của mình”. Thủ tướng cũng đặt ra câu hỏi phải làm gì để đem lại niềm tin của nhân dân: “Đâu là hành động chúng ta cần phải làm để đem lại niềm tin của nhân dân?”.

Lấy lại niềm tin của nhân dân, việc không khó nếu thật sự muốn làm. 71 năm sau Cách mạng tháng Tám, bài học xưa chưa bao giờ cũ.

Vũ Trung Kiên

 

Tin xem nhiều