"Muốn giám sát, phản biện xã hội tốt phải có năng lực và bản lĩnh, có năng lực mà không có bản lĩnh thì không dám nói, không dám đưa ra ý kiến của mình". Đó là ý kiến của bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện Quyết định 217, 218-QĐ/TW... tại Đồng Nai vào ngày 10-8-2016.
“Muốn giám sát, phản biện xã hội tốt phải có năng lực và bản lĩnh, có năng lực mà không có bản lĩnh thì không dám nói, không dám đưa ra ý kiến của mình”. Đó là ý kiến của bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện Quyết định 217, 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cấp ủy Đảng và chính quyền với nhân dân, được tổ chức tại Đồng Nai vào ngày 10-8-2016.
Từ Đại hội X trở về trước, trong các văn kiện của Đảng mới đề cập đến chức năng giám sát, chưa đề cập nhiệm vụ phản biện xã hội. Đến Đại hội Đảng lần thứ XI, trong văn kiện của đại hội đã bổ sung đầy đủ chức năng, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Trong thực tiễn, khi chưa có quyết định này, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng đã tham gia tích cực vào hoạt động giám sát đối với hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, cán bộ, công chức, đảng viên; tham gia góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trước khi ban hành. Đặc biệt, MTTQ các cấp tham gia tổng hợp ý kiến các tầng lớp nhân dân gửi tới Đảng, Nhà nước; Công đoàn các cấp đã tham gia giám sát bảo vệ quyền lợi người lao động; tham gia phản biện các chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động. Tuy vậy, việc chưa có một cơ chế đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nên hiệu quả giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực tế chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Các quyết định nói trên của Bộ Chính trị nêu rõ mục đích, tính chất của giám sát và phản biện xã hội, đó là: giám sát nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Giám sát và phản biện xã hội mang tính nhân dân, tính dân chủ xã hội chủ nghĩa, tính xây dựng, tính khoa học và thực tiễn, sâu sắc.
Như vậy, có thể thấy cho dù giám sát hay phản biện thì cũng đều thực hiện chức năng góp ý xây dựng Đảng và Nhà nước thông qua việc ban hành và thực thi các chủ trương chính sách từ lúc các chủ trương, chính sách này còn ở dạng dự thảo cho đến khi thi hành để phát hiện những bất cập và đề xuất sửa đổi. Trong thực tế, có những chính sách vì một lý do nào đó, hoặc vì lợi ích nhóm đã bị làm cho méo mó trong quá trình thực thi, hoặc kể từ khi chuẩn bị dự thảo đã lồng vào đó những quy định phương hại đến lợi ích của xã hội, của cộng đồng, vì vậy rất cần phải được giám sát và phản biện.
Thế nhưng, trong thực tế hiện nay gần như các chủ thể thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, nhất là ở cấp huyện, cấp xã, trong đó nguyên nhân chính nằm ở vấn đề “năng lực và bản lĩnh”. Muốn có năng lực và bản lĩnh, ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ và chất lượng hoạt động các tổ chức này cần phải có cơ chế để quy tụ những trí thức, nhà khoa học cùng tham gia giám sát và phản biện xã hội.
Như Ái