Mức tăng lương tối thiểu năm 2017 của khối doanh nghiệp được Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất Chính phủ phê duyệt chỉ 7,3%, thấp hơn mức tăng của năm 2016 (12,4%) và là mức tăng thấp nhất từ năm 2014 đến nay đã gây xôn xao dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Mức tăng lương tối thiểu năm 2017 của khối doanh nghiệp được Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất Chính phủ phê duyệt chỉ 7,3%, thấp hơn mức tăng của năm 2016 (12,4%) và là mức tăng thấp nhất từ năm 2014 đến nay đã gây xôn xao dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Giới công nhân lao động tỏ ra không hài lòng với mức tăng này, trong khi nhiều doanh nghiệp lại kêu trời, thậm chí còn đề nghị không nên tăng lương tối thiểu trong năm 2017.
Trong quá trình phát triển của xã hội, mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động (doanh nghiệp) chắc chắn luôn tồn tại. Người lao động muốn được trả nhiều hơn, xứng đáng với công sức, đảm bảo điều kiện sống trong khi doanh nghiệp lại muốn đảm bảo lợi nhuận cao nhất. Dung hòa mâu thuẫn đó như thế nào? Làm sao để người lao động có mức lương thỏa đáng, đáp ứng được nhu cầu cơ bản trong cuộc sống mà doanh nghiệp vẫn có thể phát triển, tái đầu tư tiếp tục tạo ra lợi nhuận, của cải cho xã hội?
Theo khảo sát mới nhất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trong công nhân lao động, hiện có đến 72% thu nhập chưa đảm bảo được cuộc sống, trong đó khoảng 33% phải sống kham khổ, đời sống rất khó khăn; 20% có mức thu nhập đủ sống, chỉ 8% có thu nhập tích lũy nhưng không nhiều. Chính vì vậy, có tới 75,5-86% công nhân muốn tăng ca bởi thu nhập quá thấp, không đủ sống. Tuy nhiên, tăng ca chỉ là giải pháp trước mắt, tạm thời, không căn cơ bởi sẽ tiêu hao nhanh sức khỏe của người lao động, làm việc nhiều, liên tục dễ dẫn đến tai nạn lao động. Khi thu nhập của người lao động không đảm bảo mức sống tối thiểu sẽ dẫn đến việc không tái tạo được sức lao động, giảm năng suất lao động; dễ dẫn đến các tranh chấp lao động như đình công.
Nhìn lại, với dự kiến mức tăng của chỉ số tiêu dùng năm 2016 khoảng 5%, thì mức tăng lương tối thiểu 7,3% mới chỉ “trám” phần nào “lỗ thủng” tiền lương do lạm phát, ấy là chưa kể đến tình trạng “lương tăng thì giá cũng tăng”, nên về thực chất thu nhập của người lao động vẫn như cũ, chưa cải thiện được đời sống. Trong khi đó, thực hiện Bộ luật Lao động là tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình, lộ trình do Tổng liên đoàn Lao động đề ra ban đầu là đến năm 2015, sau đó dời đến năm 2017, rồi 2018. Nhưng với kiểu tăng ngày càng thụt lùi, chỉ “trám lỗ thủng” như hiện nay, lộ trình này có thể sẽ kéo dài vô hạn.
Một số người cho rằng, để tiền lương tăng đảm bảo đời sống người lao động thì cần phải tăng tốc độ, năng suất lao động, giống như các nước trong khu vực và thế giới. Điều này không sai, nhưng cần xem xét trong bối cảnh thực tế là công nghệ tại nước ta hiện nay vẫn khá lạc hậu so với các nước, cho nên khi chưa cải tạo và đột phá được trong vấn đề này thì sự so sánh là khập khiễng.
Về phía các doanh nghiệp, cần phải thấy rằng con người là yếu tố quyết định quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển sản xuất, việc tăng lương nhằm đảm bảo thu nhập đủ sống cho người lao động là điều tất yếu, còn là sự động viên khích lệ người lao động làm tốt hơn, tạo ra lợi nhuận cao hơn, gắn bó hơn với doanh nghiệp. Ngoài ra, thu nhập người lao động tăng còn dẫn đến kích cầu trong tiêu dùng, là cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề đặt ra, là doanh nghiệp cần có nhiều biện pháp đổi mới công nghệ và quản trị, tăng năng lực cạnh tranh để giảm giá thành, bù đắp vào khoản tăng thu nhập cho người lao động, hài hòa lợi ích cho cả đôi bên.
HÀ LAM