Sáng 25-8, khi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng đến kiểm tra việc thực hiện kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã than thở phải dự quá nhiều cuộc họp.
Sáng 25-8, khi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng đến kiểm tra việc thực hiện kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã than thở phải dự quá nhiều cuộc họp. Là một người có nhiều phát ngôn và việc làm được xem là có những đổi mới mạnh mẽ, song ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư vẫn phải than về vấn nạn họp: “Trung bình mỗi tuần có 40 cuộc họp, tối thiểu 30 cuộc. Chỉ riêng phân công họp cho lãnh đạo Bộ cũng rất mệt mỏi và nếu có đồng chí nào đi công tác đột xuất là đảo lộn tất cả”.
Đây không phải là vấn đề mới phát sinh, mà đã được dư luận quan tâm từ lâu, song hình như “căn bệnh” này ngày càng trầm kha và khó chữa. Còn nhớ, trước đây trong một lần trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khi ấy là Hà Hùng Cường cũng đã có lần phân trần: “Bộ tôi có 4 thứ trưởng mà bố trí đi họp không đủ!”. Ông Đinh La Thăng khi còn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải cũng đã có lần phàn nàn: “Ngoài vấn nạn cơm tù, xe cướp thì còn có vấn nạn họp hành. Có cán bộ Thường vụ Tỉnh ủy một ngày có 20 giấy mời họp. Đi họp thì phải phát biểu và cho ý kiến chỉ đạo mà họp nhiều như thế thì thời gian đâu để nghiên cứu nội dung cuộc họp, thế là toàn nói chung chung”. Vì sao ai cũng biết, ai cũng bức xúc mà lại không có những giải pháp triệt để để ngăn chặn tình trạng này?
Có nhiều nguyên nhân về vấn nạn lạm họp, song nguyên nhân chính vẫn là bộ máy quá cồng kềnh, quá nhiều cơ quan, đơn vị và ai cũng thấy mình quan trọng. Vì vậy mới có chuyện cơ quan, đơn vị nào khi tổ chức họp cũng muốn có lãnh đạo đến phát biểu để tăng thêm phần “long trọng”. Ai cũng mời như vậy thì cho dù lãnh đạo có “ba đầu sáu tay” cũng không thể dự hết. Cũng có nguyên nhân là có lãnh đạo chưa dám mạnh dạn quyết và chịu trách nhiệm về một vấn đề nào đó nên tổ chức họp để lấy ý kiến tập thể nhằm đảm bảo an toàn. Nhiều cơ quan, đơn vị hiện nay đầu mối công việc nhiều, chất lượng công chức hạn chế nên kéo theo chất lượng tham mưu cũng hạn chế. Để gỡ rối, nhiều nơi chọn giải pháp… họp. Nhìn lịch làm việc của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, phần chiếm nhiều nhất chính là… họp. Suốt ngày đi họp như vậy thì lãnh đạo đâu còn thời gian lo cho công việc chuyên môn.
Thủ tướng Chính phủ từng ban hành quy định chế độ họp của các cơ quan hành chính nhà nước. Tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có lãng phí thời gian, đã được luật hóa trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Vì vậy, vấn nạn họp tràn lan như hiện nay cần phải được nhanh chóng khắc phục.
Để giải quyết vấn nạn này cần triệt để đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức họp trực tuyến như Chính phủ và một số địa phương đã làm, trong đó có Đồng Nai. Thế nhưng, đó vẫn chỉ là phần ngọn của vấn đề, giải pháp về lâu dài và mang tính quyết định vẫn là đổi mới, sắp xếp, phân công hợp lý chức năng, nhiệm vụ các cơ quan trong hệ thống chính trị và tuyển dụng, thu hút được đội ngũ công chức thật sự có năng lực và trách nhiệm...
Trung Kiên