Ngày 31-1-2004, nhóm bảo vệ quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam/dioxin là Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã tiến hành kiện 37 công ty Mỹ đã sản xuất, cung cấp chất hóa học phát quang cây cối có chứa dioxin cho quân đội Mỹ, yêu cầu bồi thường do trách nhiệm sản xuất chất hóa học gây ra thương tổn cho các nạn nhân ở Việt Nam.
Ngày 31-1-2004, nhóm bảo vệ quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam/dioxin là Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã tiến hành kiện 37 công ty Mỹ đã sản xuất, cung cấp chất hóa học phát quang cây cối có chứa dioxin cho quân đội Mỹ, yêu cầu bồi thường do trách nhiệm sản xuất chất hóa học gây ra thương tổn cho các nạn nhân ở Việt Nam. Vụ kiện đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, bởi lần đầu tiên vấn đề công bằng cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được đặt ra trên khía cạnh luật pháp. Trước đó, nhiều cựu quân nhân Hoa Kỳ, Hàn Quốc từng tham chiến tại Việt Nam đã thắng ở các vụ kiện tương tự.
Để củng cố bằng chứng pháp lý, các nhà khoa học Việt Nam đã hợp tác với các nhà khoa học Mỹ, Canada, Đức và Nhật Bản nghiên cứu, xác định khả năng gây độc của dioxin trong máu cao gấp hàng trăm hoặc hàng ngàn lần mức bình thường. Viện Y khoa Hoa Kỳ cũng đã kết luận các cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin. 80 triệu lít chất độc da cam rải xuống Việt Nam là con số quá mức cần thiết để diệt cỏ. Tuy nhiên, phía Tòa án Mỹ đã 3 lần bác đơn kiện của VAVA với lập luận rằng chất độc da cam đã không được xem là một chất độc bị cấm theo luật quốc tế vào lúc Mỹ sử dụng, ngay cả khi ảnh hưởng không cố ý của những chất này có thể gây ra độc tố đối với đời sống của con người và môi trường sống; Mỹ không bị cấm dùng chất hóa học này để diệt cỏ; những công ty sản xuất chất này không có trách nhiệm về cách sử dụng của chính quyền. Chính phủ Hoa Kỳ, vốn có quyền miễn tố, không phải là một bị cáo trong đơn kiện.
Dư luận quốc tế có nhiều ý kiến phê phán phán quyết này của Tòa án Mỹ. Ông Len Aldis (Tổng thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt) gửi thư tới Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh: “Ngài Tổng thống, ngài sinh ra vào ngày 4-8-1961, vào chính tháng mà lực lượng không quân Mỹ bắt đầu rải chất độc da cam/dioxin xuống miền Nam Việt Nam và tiếp tục làm việc đó thêm 10 năm nữa. Hậu quả của những cánh rừng bị hủy hoại bởi chất độc da cam/dioxin này đến nay vẫn có thể nhìn thấy. Với con người, những thương tật nghiêm trọng là chứng tích của chất độc này. Bất chấp phán quyết này, ngài có quyền đưa ra chính sách để cung cấp các đền bù tài chính cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin và gia đình họ…”.
Rất nhiều người dân Việt Nam vì bị nhiễm chất độc da cam đã trở thành tàn tật do thương tổn thần kinh, bại liệt, mù lòa, đau xót hơn là di chứng chất độc này có khi kéo dài đến đời con, đời cháu. Những năm qua, nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam sống trong sự quan tâm của chính quyền, đùm bọc, chăm sóc, sẻ chia của cộng đồng. Với đạo lý “thương người như thể thương thân”, rất nhiều cá nhân, tổ chức, đoàn thể đã dành sự quan tâm ấm áp đến họ. Và cũng rất nhiều nạn nhân chất độc da cam với sự hỗ trợ của cộng đồng đã luôn tìm cách vượt qua số phận, vươn lên trên cuộc sống với niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Không chỉ tự tạo công việc, nghề nghiệp ổn định, nhiều nạn nhân và con em họ còn vượt qua khó khăn, bệnh tật để bước chân vào giảng đường đại học, vươn đến tri thức cao.
Với các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, cuộc đấu tranh đòi công lý của họ là nhằm bảo vệ quyền con người, gồm: quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, vì thực tế họ đã bị tước đoạt cả 3 yếu tố cơ bản đó. Cuộc đấu tranh này hoàn toàn không nhằm “trục lợi” như một vài dư luận xuyên tạc, bởi không một ai có thể mong muốn bất hạnh, đau khổ đến với mình để được tiền bồi thường. Không vật chất nào có thể bù đắp được những tổn thương về tinh thần mà các nạn nhân da cam phải gánh chịu trong suốt hơn 60 năm qua. Dù chiến tranh đã khép lại, nỗi đau của những nạn nhân da cam vẫn kéo dài, dai dẳng.
Cho dù Tòa án Mỹ đã phán quyết như thế nào thì nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam vẫn là sự thực, không thể chối bỏ. Mới đây, bà Trần Tố Nga, Việt kiều đang sinh sống tại Pháp đã đệ đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ cung cấp chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam ra tòa đại hình ở TP.Evry của Pháp. Tháng 4-2016 vừa qua, vụ kiện đã có phiên điều trần đầu tiên. Những nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam lại bắt đầu bước vào “cuộc chiến” mới không kém cam go để đòi công lý với niềm tin không bao giờ tắt.
HÀ LAM