"Thủ tướng đi vào đường phố, đã đi bộ trước hàng cây số rồi, xe ô tô vẫn đi phía sau, Thủ tướng không biết. Nhưng khuyết điểm đó vẫn có trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến, cũng phải xin lỗi người dân để người dân thông cảm".Đó là những lời nói chân thành đã được đích thân Thủ tướng nói ra trong phát biểu kết luận hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, diễn ra sáng 17-8.
"Thủ tướng đi vào đường phố, đã đi bộ trước hàng cây số rồi, xe ô tô vẫn đi phía sau, Thủ tướng không biết. Nhưng khuyết điểm đó vẫn có trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến, cũng phải xin lỗi người dân để người dân thông cảm”.Đó là những lời nói chân thành đã được đích thân Thủ tướng nói ra trong phát biểu kết luận hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, diễn ra sáng 17-8.
Ngay lập tức sau phát biểu này, cộng đồng mạng đã “dậy sóng” bởi đã từ lâu lắm rồi người dân lại thấy người đứng đầu Chính phủ nhận trách nhiệm về những chuyện mà có thể có người cho là chuyện nhỏ nhặt. Câu chuyện này, cách hành xử này của Thủ tướng đã một lần nữa nói lên rằng người đứng đầu Chính phủ đã thật sự lắng nghe và quan tâm đến những vấn đề mà dư luận có ý kiến.
Câu chuyện này bắt đầu từ chuyến đi bộ của Thủ tướng Chính phủ vào chiều muộn ngày 8-8-2016 ở khu phố cổ Hội An. Chiều đó, Thủ tướng vào Hội An để chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại Quảng Nam. Sau đó, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh cho thấy phía sau Thủ tướng cả một đoàn xe dài đi vào khu phố đi bộ ở Hội An. Nay thì Thủ tướng đã chính thức lên tiếng nhận trách nhiệm và xin lỗi về việc này. Còn nhớ, khi mới lên nhậm chức, Thủ tướng đã từng phát biểu ông thường đọc báo để xem tin tức và nắm tình hình. Sự việc đoàn xe của Thủ tướng đi vào khu phố đi bộ hầu như không có tờ báo chính thống nào đề cập tới mà chỉ ở các trang mạng xã hội. Điều này lại một lần nữa cho thấy Thủ tướng đã lắng nghe cả những luồng dư luận khác nhau.
Sinh thời, Bác Hồ thường căn dặn: “Muốn người ta theo, mình phải làm gương trước”. Bác Hồ cũng nhiều lần khẳng định đối với người Việt Nam, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn thuyết suông. Trong các văn kiện, nghị quyết của mình, Đảng thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải nêu gương tốt trước quần chúng nhân dân. Ngày 7-6-2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng ta tiếp tục yêu cầu “chú trọng làm tốt hơn việc nêu gương”. Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, vẫn còn những hạn chế.
Trong điều kiện một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và xã hội hiện nay, vai trò nêu gương của người đứng đầu càng trở nên quan trọng để lấy lại niềm tin và lôi cuốn mọi người đi theo.
Câu chuyện Thủ tướng nhận trách nhiệm phát đi một thông điệp lớn: “Pháp bất vị thân” và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Câu chuyện nhỏ - thông điệp lớn.
Như Ái