Xây đường cao tốc để gánh vác bớt lượng xe cho những tuyến đường giao thông huyết mạch luôn là những dự án được người dân mong chờ nhiều nhất.
Xây đường cao tốc để gánh vác bớt lượng xe cho những tuyến đường giao thông huyết mạch luôn là những dự án được người dân mong chờ nhiều nhất.
Với những tuyến quốc lộ tuổi đời đã hàng chục, thậm chí cả trăm năm như quốc lộ 20, quốc lộ 51, quốc lộ 1 thì những vấn đề phát sinh, như: xuống cấp, hư hỏng, nhỏ hẹp dần so với tốc độ đô thị hóa... đang làm người dân rất mệt mỏi.
Chưa có những tính toán cụ thể để dẫn ra rằng với những phiền phức mà người dân gánh chịu khi lưu thông trên các tuyến đường nhỏ hẹp, xuống cấp, song rõ ràng thiệt hại là không hề nhỏ. Chẳng hạn, mặc dù đã đổ hàng ngàn tỷ đồng để nâng cấp quốc lộ 20, song do lưu lượng xe quá đông, hai bên đường dày đặc các khu dân cư, khu công nghiệp nên thời gian di chuyển từ TP.Hồ Chí Minh lên Lâm Đồng lúc nào cũng chiếm trên 6 tiếng. Trước mắt, người dân TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Lâm Đồng đều mong muốn có tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, nối vào cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hiện hữu, ngoài việc rút ngắn thời gian lưu thông, còn là cú hích để kinh tế của các địa phương phát triển mạnh mẽ hơn.
Tương tự, trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác kiểm tra hoạt động của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng kiến nghị Trung ương sớm xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trước mắt là đoạn Biên Hòa - Cái Mép để kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải với các tiểu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Lê Quang Bình chia sẻ, mặc dù chi phí đầu tư đường cao tốc rất lớn, song xét hiệu quả lâu dài vẫn phải tính toán chuyện đầu tư. Chẳng hạn, dọc tuyến quốc lộ 51 từ Biên Hòa xuống đến cảng Cái Mép - Thị Vải dày đặc các khu công nghiệp của 2 tỉnh nên rất cần hệ thống giao thông kết nối thuận lợi giữa các khu công nghiệp và cảng biển. Với đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, không chỉ phát triển cho Lâm Đồng mà các huyện của Đồng Nai như Định Quán, Tân Phú cũng dễ thu hút doanh nghiệp đến đầu tư vào các khu công nghiệp ở đây hơn, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến nông sản.
Phát biểu trên báo chí trong một buổi hội thảo tại Hà Nội diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết dự kiến giai đoạn 2016-2020 sẽ đầu tư, phát triển thêm hơn 1.520km để đến hết năm 2020 sẽ có khoảng 2.270km đường cao tốc. Những đầu tư nói trên là cần thiết mặc dù sẽ cần đến một lượng vốn khổng lồ, cụ thể ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 vào khoảng 955 ngàn tỷ đồng. Trong đó, gần 348 ngàn tỷ đồng dự kiến huy động ngoài ngân sách và hơn 607 tỷ đồng cần bố trí từ nguồn vốn có nguồn gốc ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, hơn 221 ngàn tỷ đồng dự kiến huy động vốn ODA và hơn 386 ngàn tỷ đồng bố trí từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ.
Rõ ràng khi đầu tư lớn, gánh nặng trả nợ sẽ dồn lên người dân dù với hình thức hoàn phí nào, tuy vậy, cho đến giờ này hầu như chưa có thông tin ghi nhận người dân địa phương nào phản đối các dự án đường cao tốc nói riêng và phát triển hạ tầng nói chung, trừ các dự án “có vấn đề” về chất lượng. Chính vì vậy, một khi người dân đã đồng thuận, mong rằng các dự án hàng chục ngàn tỷ đồng sẽ được kiểm soát và thực hiện một cách chất lượng và minh bạch.
KIM NGÂN