Báo Đồng Nai điện tử
En

Lòng yêu nước chân chính

10:07, 18/07/2016

Từ sau phán quyết mang tính lịch sử của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) ngày 12-7 trong vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc, một lần nữa vấn đề Biển Đông lại "dậy sóng".

Từ sau phán quyết mang tính lịch sử của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) ngày 12-7 trong vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc, một lần nữa vấn đề Biển Đông lại “dậy sóng”. Với nội dung phán quyết dày gần 500 trang, PCA đã bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với tài nguyên trong “đường 9 đoạn”, khẳng định các cấu trúc (thực thể địa lý) thuộc Trường Sa không có hiệu lực để Trung Quốc có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý; các hoạt động khai thác, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây hại cho môi trường biển; các hoạt động của Trung Quốc ngăn cản Philippines thực hiện các quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế, kể cả vùng biên xung quanh bãi cạn Scarborough là vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).

Không chỉ đối với các nước Đông Nam Á, phán quyết này của PCA được cả dư luận quốc tế quan tâm. Ở nước ta, những ngày này lòng dân cả nước vui mừng hân hoan, bởi thắng lợi của Philippines có liên quan rất nhiều và là tiền lệ tốt đối với những tranh chấp trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Quá trình khởi kiện của Philippines sẽ giúp Việt Nam rút ra nhiều kinh nghiệm trong vấn đề chuẩn bị hồ sơ pháp lý.

Tuy nhiên, cần tỉnh táo để đừng ảo tưởng rằng phán quyết của PCA là giải pháp duy nhất nhằm giải quyết những vấn đề tranh chấp trong Biển Đông. PCA không có chức năng chế tài, trong khi đó Trung Quốc đã ra tuyên bố không chấp nhận phán quyết và đang triển khai mạnh mẽ các hoạt động cả trên phương diện ngoại giao lẫn ngoài thực địa để tìm cách vô hiệu hóa phán quyết. Vì vậy, trong thực tế việc “thi hành án” là điều rất khó khăn. Bên cạnh đó, phán quyết này không liên quan đến chủ quyền đối với các đảo - vốn là nội dung tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc.

Đã có những quan ngại về phía Trung Quốc sau phán quyết của PCA. Cụ thể, ngày 18-7 Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố cấm các tàu bè qua lại một phần khu vực Biển Đông để các tàu chiến tập trận quân sự. Không những thế, Trung Quốc vẫn tiếp tục ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough dù theo phán quyết của PCA đây là ngư trường truyền thống của nhiều nước trong khu vực. Về phía mình, Việt Nam bày tỏ quan điểm ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định UNCLOS 1982, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, không có những hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở Biển Đông và trong khu vực; luôn sẵn sàng mọi biện pháp để góp phần vào duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực.

Việt Nam cũng tuyên bố bảo lưu các quyền và lợi ích hợp pháp cũng như các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng các quyền và lợi ích ở các vùng biển được xác định theo UNCLOS 1982. Việt Nam sẽ xem xét các bước đi tiếp theo để bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia. Người dân Việt Nam có tinh thần thượng tôn pháp luật và niềm tin vững chắc vào công lý. Với những bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam tin rằng công lý sẽ thuộc về cái đúng.

Lòng yêu nước không là độc quyền của riêng ai, bất kỳ ai cũng có quyền thể hiện theo cách riêng của mình nhưng phải theo nguyên tắc chung, không xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia, dân tộc. Những người dân Việt Nam yêu nước chân chính sẽ không sa vào âm mưu kích động, gây chia rẽ, gây rối và đe dọa đến an ninh, hòa bình trong nước và trong khu vực, sẽ chấp hành chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

HÀ LAM

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều