Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ cương công vụ

10:07, 03/07/2016

Kỷ cương là giềng mối quan hệ, là phép tắc ứng xử của cộng đồng, do cộng đồng xây dựng, bảo vệ và cùng thực hiện vì mục tiêu chung. Kỷ cương của một đất nước được định hình bằng Hiến pháp và hệ thống pháp luật của đất nước ấy.

Kỷ cương là giềng mối quan hệ, là phép tắc ứng xử của cộng đồng, do cộng đồng xây dựng, bảo vệ và cùng thực hiện vì mục tiêu chung. Kỷ cương của một đất nước được định hình bằng Hiến pháp và hệ thống pháp luật của đất nước ấy.

Kỷ cương quan hệ mật thiết với dân chủ. Kỷ cương xây dựng trên nền móng dân chủ. Dân chủ phải có kỷ cương. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Không kỷ cương, đất nước sẽ rối loạn”. Gần đây, khi nói đến dân chủ thường gắn liền với kỷ cương. “Dân chủ - kỷ cương - đoàn kết - trí tuệ” là phương châm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Đã có nhiều văn kiện của Đảng và Chính phủ nhắc đến dân chủ - kỷ cương, xem đó là mục tiêu cao cả, nhiệm vụ trọng đại của đất nước. Đó cũng là nguyện vọng của toàn dân, là thước đo của xã hội phát triển. Vấn đề đặt ra, làm thế nào để hiện thực hóa tư duy dân chủ - kỷ cương trong đời sống, làm thế nào để định lượng, đánh giá khách quan chất lượng của nền hành chính “Dân chủ - kỷ cương”?

Chính phủ đã “đau đầu, nhức óc” trong việc điều hành, xây dựng thể chế dân chủ - kỷ cương. Một trong những giải pháp động lực là kỷ cương hành chính trong thực hiện công vụ.

Trong hội nghị trực tuyến của Chính phủ ngày 30-6 và 1-7, Chính phủ có báo cáo chuyên đề về “Kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2016”. Báo cáo đánh giá các cơ quan Trung ương và địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc thực thi nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương. Tuy nhiên, kết quả tổng hợp cho thấy chất lượng của kỷ cương hành chính chưa cao. Trong số 3.461 nhiệm vụ Trung ương đã giao cho các bộ, ngành, địa phương trong 6 tháng đầu năm 2016, có 994/1.384 việc hoàn thành đúng hạn, đạt tỷ lệ 71,8%; 147/1.384 nhiệm vụ đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành, chiếm tỷ lệ 10,6%; 243 nhiệm vụ hoàn thành nhưng trễ hạn, chiếm tỷ lệ 17,6%. Lần đầu tiên, Chính phủ công bố công khai mức độ hoàn thành của từng bộ, ngành, địa phương.

Về các dự án phải trình trong 6 tháng đầu năm, Bộ GD-ĐT mới trình 3/9 dự án, đạt 33,3%; Bộ Công thương trình 5/12 dự án, đạt 41,6%; Bộ Tài chính trình 17/36 dự án, đạt 47,2%. Viện Hàn lâm khoa học - công nghệ Việt Nam chưa trình được dự án nào. Có 4 đơn vị đạt 100% dự án phải trình là: Bộ Giao thông - vận tải, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ.

Về thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên - môi trường là đơn vị được giao nhiệm vụ nhiều nhất và hoàn thành đúng hạn cao nhất: 287/333 nhiệm vụ. Có 26 đơn vị chưa hoàn thành nhiệm vụ nào. Đại đa số đều để nhiệm vụ quá hạn hoặc tồn đọng. Trong đó, tỉnh Đồng Nai được giao 33 nhiệm vụ, mới hoàn thành đúng hạn 2 nhiệm vụ, đã quá hạn hoàn thành 3 nhiệm vụ, còn trong thời hạn 28 nhiệm vụ. TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh cũng trong tình trạng tương tự.

Những con số “biết nói” ấy đã tự nêu lên kết quả thực hiện kỷ cương công vụ. Không cần phải bình luận, nhắc nhở, phê phán, cũng chưa đặt vấn đề kiểm điểm, kỷ luật, các đơn vị tự suy gẫm, đánh giá và đề ra giải pháp khắc phục của mình.

Như vậy, kỷ cương công vụ không phải là một nội dung trừu tượng, cảm tính nữa. Chỉ mới bằng giải pháp định lượng công khai mức độ thực hiện nhiệm vụ đã đánh thức ý thức kỷ cương công vụ của từng đơn vị, chắc là sẽ dần thấm vào từng người, từng lãnh đạo các đơn vị và tạo chuyển biến trong chất lượng công vụ, cán bộ công chức và tạo chuyển biến trong chất lượng công vụ. Chính phủ đã bàn các giải pháp tiếp tục thực thi kỷ cương công vụ, trong đó có nhiều chữ được nhân dân trông đợi: tự giác, nêu gương, minh bạch, thực chất, cải cách hành chính, Chính phủ điện tử, kiểm tra giám sát của dân, tận tụy phục vụ nhân dân.              

HUỲNH VĂN TỚI

Tin xem nhiều