Trong khi doanh nghiệp luôn kêu ca thiếu trầm trọng lao động có tay nghề thì một thực tế đã và đang diễn ra tại nhiều trường nghề hiện nay chính là số lượng người học ngày càng thưa thớt, thậm chí có trường "trắng" học viên.
Trong khi doanh nghiệp luôn kêu ca thiếu trầm trọng lao động có tay nghề thì một thực tế đã và đang diễn ra tại nhiều trường nghề hiện nay chính là số lượng người học ngày càng thưa thớt, thậm chí có trường "trắng" học viên. Không ít trường nghề dù được đầu tư với quy mô lớn, trang thiết bị dạy và học hiện đại đành ngậm ngùi sáp nhập hoặc loay hoay với bài toán tuyển sinh đầu vào, hoạt động cầm cự, lay lắt.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, như tâm lý chuộng học đại học hơn học nghề của phần đông người dân; ngày càng nhiều các trường đại học, cao đẳng được phép tuyển sinh dạy nghề “làm khó” trường nghề... Tuy nhiên, có một thực tế mà chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận đó là quy hoạch về trường nghề cùng ngành nghề đào tạo không theo kịp sự phát triển của xã hội, khiến ngành cần đào tạo thì lại thiếu người học và ngành mà nhu cầu ít lại ồ ạt người theo học. Bên cạnh đó, bản thân các trường nghề còn thiếu sự chủ động trong việc nắm bắt xu hướng tuyển dụng, e dè trong tổ chức liên kết với doanh nghiệp và chưa tự tin khi hợp tác, đầu tư với quốc tế trong đào tạo nghề.
Thực tế cho thấy trong khi nhiều trường nghề sống lay lắt, thường xuyên kêu than vì không tuyển sinh đủ chỉ tiêu thì vẫn có những trường “sống tốt, sống khỏe” bằng chính khả năng của mình. Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 ở Đồng Nai là một ví dụ điển hình. Trường đã có hơn 10 năm là thành viên của Hội đồng nghề của Vương quốc Anh và hiện đã xây dựng được chương trình đào tạo cao đẳng nghề quốc tế với các nghề mà doanh nghiệp đang rất cần, như: hàn, cơ khí, kỹ thuật điện và điện công nghiệp. Những ngành này đã được Hội đồng nghề Vương quốc Anh kiểm định và chứng nhận, do đó học viên sau khi tốt nghiệp khá tự tin với ngành nghề mình được đào tạo và “đắt hàng” trong tuyển dụng.
Có những trường đã chủ động liên kết với doanh nghiệp nhằm tạo môi trường cho học viên thực tập, không dạy chay, học chay. Học viên có điều kiện “thử lửa” tay nghề trong doanh nghiệp, đồng thời học hỏi thêm các kỹ năng mềm khác, như: tin học, ngoại ngữ để không lạ lẫm khi bước vào môi trường làm việc chính thức, đòi hỏi tính kỷ luật và chuyên nghiệp cao. Một số trường còn mạnh dạn thay thế những ngành nghề trước đây được xem là thế mạnh của mình để đào tạo những ngành nghề mới mà doanh nghiệp đang cần.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng những trường nghề có tư duy năng động, dám nghĩ dám làm vẫn còn khá ít ỏi. Tâm lý trông chờ, ỷ lại, ngại khó đang là nguyên nhân “giết chết” trường nghề, mặc dù chưa bao giờ cơ hội mở ra cho các trường nghề lại rộng cửa như hiện nay khi Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới và nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có thợ lành nghề tăng nhanh. Vì thế, trong khi chờ những chính sách từ Nhà nước để “cứu” trường nghề, bản thân trường nghề phải tự cứu mình, khẳng định uy tín và thương hiệu bằng chính chất lượng đào tạo.
MINH NGỌC