Không phải ngẫu nhiên, chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam 2 năm 2015-2016 vẫn giữ chủ đề "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương".
Không phải ngẫu nhiên, chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam 2 năm 2015-2016 vẫn giữ chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”.
Trước kia, một số dân tộc ở phía Nam sông Dương Tử có tập tục khi gia đình ra ở riêng thì người phụ nữ phải đến một hộ trong làng được đánh giá là vợ chồng hòa thuận để xin lửa, sau đó mang mồi lửa này về nhen nhóm trong bếp mới nhà mình, ngoài ngụ ý tiếp nối sự hòa thuận còn có ý nghĩa: người vợ chính là người giữ gìn tổ ấm gia đình.Tập tục này đến nay vẫn còn được lưu truyền ở một số tỉnh phía Bắc nước ta, có cải biến đôi chút nhưng về ý nghĩa thì không thay đổi. Điều này cho thấy, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, trong đó không thể thiếu những bữa cơm gia đình ấm áp.
Theo truyền thống phương Đông, bữa cơm gia đình là thời điểm sum họp của các thành viên, không chỉ giải quyết vấn đề “nạp năng lượng” mà là dịp truyền/ nhận kinh nghiệm giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình; thể hiện sự quan tâm chia sẻ và gắn kết tình cảm của các thành viên trong nhà, qua đó giữ gìn và tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam. Nhưng trong khi vấn đề này đã được xã hội phương Tây dần dần nhìn ra, ngày nay tại các nước công nghiệp phát triển người dân đang kêu gọi nhau quay trở về với các giá trị gia đình truyền thống, trong đó có bữa cơm gia đình, thì ở nước ta bữa cơm gia đình lại đang dần “vắng bóng”, nhất là tại các đô thị lớn.
Theo thống kê của ngành xã hội học, tại các thành phố lớn hiện nay có khoảng 30-40% gia đình sống cảnh “cơm hàng, cháo chợ”. Đây là một thực trạng tất nhiên của đời sống công nghiệp khi phụ nữ cũng phải lao động kiếm sống như nam giới, khi các thành viên gia đình đều phải đáp ứng guồng quay xã hội, và khi các điều kiện môi trường (nhà hàng, quán xá) quá thuận lợi “cổ vũ” mọi người xa dần nhà bếp. Tuy nhiên, khi nhà bếp “lạnh”, cơ hội gắn kết các thành viên gia đình cũng trở nên lỏng lẻo hơn.
Phụ nữ ngày nay không còn ru rú trong xó bếp, vai trò, vị trí phụ nữ trong xã hội không thua kém nam giới, nhưng bình đẳng giữa nam và nữ không có nghĩa là phụ nữ từ bỏ trách nhiệm “giữ lửa” gia đình. Cân nhắc giữa sự thuận tiện của bữa ăn công nghiệp và cơ hội gần gũi, chia sẻ lẫn nhau giữa các thành viên trong nhà, rõ ràng cái được không bù nổi cái mất. Hơn nữa, đảm đương bữa ăn gia đình không có nghĩa là phụ nữ “ôm sô” hết công việc bếp núc. Nếu biết phân công lao động hợp lý, bữa cơm gia đình còn là dịp để mọi người thông cảm, hiểu biết nhau hơn. PGS.TS Huỳnh Văn Sơn đề nghị mỗi gia đình ít nhất hãy dành 20 phút/ngày để các thành viên “hẹn hò” nhau thông qua bữa cơm. 20 phút không có iPad, không game, không công việc. Bữa cơm sẽ là “cuộc gặp mặt” của tình cảm ông bà với con cháu, của cha mẹ và con cái, của vợ chồng và của anh em ruột thịt.
Thời gian gần đây, có một “điểm cộng” là trước vấn nạn thực phẩm đường phố không đảm bảo an toàn vệ sinh, nhiều bà nội trợ đã quay trở về với bữa cơm gia đình, tự chọn lựa thực phẩm sạch để chế biến nhằm đảm bảo sức khỏe cho mọi người trong nhà. Điều đó thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm của người vợ, người mẹ. Theo vua đầu bếp Martin Yang, xu hướng ẩm thực thế giới đang quay về với những món ăn “kiểu mẹ nấu” (mother style), giản đơn, không cầu kỳ nhưng chứa đầy tình yêu thương của mẹ. “Món ngon nhất là món mà bạn đã bỏ hết tình yêu thương, tâm trí của mình vào trong đó” - Martin Yang kết luận.
Hà Lam