Hôm nay 21-6, báo chí cả nước và Đồng Nai kỷ niệm 91 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Hôm nay 21-6, báo chí cả nước và Đồng Nai kỷ niệm 91 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Ở nước ta, đặc biệt là ở miền Nam, báo chí xuất hiện từ rất sớm với sự ra đời của Gia Ðịnh báo, tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên trong cả nước vào năm 1865. Nhưng nói đến nền báo chí cách mạng thì phải kể đến cột mốc là sự ra đời của báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ngày 21-6-1925. Nếu như trước đó báo chí nước ta chỉ là công cụ thống trị của thực dân Pháp, thì nền báo chí cách mạng Việt Nam có tôn chỉ, mục đích là giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam là vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Thời gian qua, ở nước ngoài các thế lực thù địch không ngừng xuyên tạc báo chí trong nước, cho rằng báo chí Việt Nam không đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trên mà đặt quyền lợi của chế độ đang cai trị đất nước trên tất cả; không phục vụ lợi ích của đông đảo nhân dân mà phục vụ trước hết là giai cấp cầm quyền. Rõ ràng, đây chỉ là giọng điệu “cả vú lấp miệng em”. Thực tiễn báo chí nước ta, trong đó có báo chí Đồng Nai những năm qua cho thấy đã sớm đi vào lĩnh vực gai góc là đấu tranh chống tiêu cực. Rất nhiều kẻ có chức quyền nhưng “sâu dân, mọt nước” đã bị báo chí đưa ra ánh sáng; vô vàn những bức xúc của người dân, bất cập trong đời sống xã hội đã được báo chí phản ảnh, Đảng và Nhà nước đã chấn chỉnh, sửa đổi. Trong công tác xây dựng Đảng, báo chí cũng “chỉ mặt, đặt tên” những mặt chưa đúng, những điều chưa đẹp để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Báo chí Việt Nam đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích nền báo chí cách mạng mà Bác Hồ đặt ra cách đây 91 năm, đó là hướng đến nhân dân và vì một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Tất nhiên, trong đội ngũ nhà báo hiện nay vẫn còn sót một số kẻ thiếu đạo đức báo chí. Thỉnh thoảng, đây đó vẫn nổi lên thông tin nhà báo gây khó khăn, thậm chí tống tiền doanh nghiệp, hoặc lợi dụng vị thế nghề nghiệp “bảo kê”, làm bậy. Đây đó vẫn còn lời than phiền về những nhà báo thiếu tâm, đưa thông tin sai sự thật, phản cảm, chạy theo thông tin giật gân, câu khách làm ảnh hưởng đến uy tín của giới báo chí. Nhưng trên hết, vẫn còn một đội ngũ rất lớn những nhà báo say nghề, yêu nghiệp, ngày đêm lặn lội tác nghiệp bất chấp khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để đưa thông tin đúng, nóng đến với bạn đọc, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với báo chí.
Bước vào thời kỳ hội nhập, thế giới “phẳng” thêm từng ngày với ngồn ngộn thông tin khác nhau, kể cả thông tin trái chiều. Hơn lúc nào hết, người làm báo cần kiên định lập trường chính trị, giữ vững tôn chỉ, mục đích của nền báo chí cách mạng. Đội ngũ báo chí cũng cần học tập, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa báo chí. Đó là báo chí cần góp phần nâng cao dân trí nhằm hướng tới phát triển con người toàn diện; xây dựng một nền báo chí cách mạng mang tính nhân dân và tính quần chúng; bảo đảm tính trung thực, khoa học nhằm định hướng dư luận vì sự tiến bộ của xã hội; đề cao đạo đức người làm báo.
Để đáp ứng yêu cầu xã hội trong tình hình mới, đội ngũ báo chí cả nước và Đồng Nai cũng cần nâng cao chất lượng, “phải là người đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng, tỉnh táo, cảnh giác, lấy chính thực tiễn sinh động của đất nước đổi mới để tấn công, vạch trần âm mưu thâm độc của các thế lực xấu, thù địch, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta”, như lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Những ngày này, cả xã hội hướng đến tôn vinh nghề báo. Nhưng với người làm báo, sự tôn vinh cao quý nhất là những bài báo sống và đọng lại trong lòng bạn đọc.
Thanh Thúy