Cuối cùng thì ông Trịnh Xuân Thanh đã bị tạm đình chỉ bầu vào chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang trong kỳ họp HĐND tỉnh mới đây.
Cuối cùng thì ông Trịnh Xuân Thanh đã bị tạm đình chỉ bầu vào chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang trong kỳ họp HĐND tỉnh mới đây. Đây là quyết định được dư luận đồng tình, ủng hộ. Đã xuất hiện những tín hiệu lạc quan và hy vọng trong nhân dân về việc xử lý các vụ việc mà dư luận bức xúc. Tuy nhiên, dư luận vẫn phải đặt câu hỏi rằng có một ông Thanh hay còn nhiều ông Thanh nữa.Việc giải quyết vụ việc ông Thanh dẫu sao cũng chỉ ở phần “ngọn” mà chưa giải quyết tận “gốc” vấn đề. Xung quanh câu chuyện này, vấn đề đặt ra là cần khắc phục ngay những “lỗ hổng” về quy trình trong công tác cán bộ hiện nay.
Tại sao một người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước (Tổng công ty xây lắp dầu khí) lỗ hàng ngàn tỷ đồng, dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng đến nay chưa làm rõ trách nhiệm mà còn ung dung được giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang? Nếu đây là cán bộ của địa phương, chắc chắn phải làm rõ trách nhiệm của địa phương. Nhưng đây là cán bộ của Trung ương, vì vậy đây thuộc trách nhiệm của Trung ương.
Ông Trần Lưu Hải, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, đã trả lời rất rõ rằng ông Trịnh Xuân Thanh không nằm trong danh sách luân chuyển cán bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà việc đưa ông Thanh về Hậu Giang là sự thỏa thuận giữa Bộ Công thương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang. Theo các quy định về phân cấp quản lý cán bộ hiện nay thì đúng như ông Trần Lưu Hải đã nói bởi diện cán bộ là phó chủ tịch UBND tỉnh đã được phân cấp cho địa phương, cụ thể là ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy các địa phương. Theo Quyết định 68-QĐ/TW ngày 4-7-2007 của Bộ Chính trị về ban hành quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử, chỉ có phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh mới phải xin ý kiến các ban Đảng Trung ương trước khi giới thiệu để tỉnh ủy, thành ủy hoặc HĐND bầu và báo cáo cấp có thẩm quyền chuẩn y hoặc phê chuẩn kết quả bầu cử. Như vậy, trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh đúng là không nằm trong diện phải xin ý kiến các ban Đảng Trung ương. Thế nhưng, từ câu chuyện này đã lộ diện những bất cập của công tác cán bộ hiện nay cần nhanh chóng khắc phục.
Những năm gần đây, để giao thêm thẩm quyền cho các bộ, ngành, địa phương, Trung ương đã ban hành nhiều quyết định về phân cấp thẩm quyền về công tác cán bộ. Cụ thể bổ nhiệm vụ trưởng, vụ phó và tương đương của các bộ, ngành ở Trung ương đã được phân cấp thẩm quyền cho thủ trưởng bộ, ngành. Ở các tỉnh, thành phố việc bổ nhiệm trưởng, phó phòng và tương đương ở các sở, ngành hiện nay đều được phân cấp thẩm quyền cho thủ trưởng, giám đốc sở. Từ vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh có lẽ các cơ quan có trách nhiệm cần xem xét lại quy trình về bổ nhiệm cán bộ hiện nay, đặc biệt là vấn đề phân cấp thẩm quyền về công tác cán bộ. Khi một ai đó được bầu giữ chức vụ phó chủ tịch UBND một tỉnh là đã giữ trọng trách rất lớn, Trung ương không thể không biết. Một vụ trưởng, vụ phó khi được bổ nhiệm đâu phải chỉ liên quan đến ngành mà họ nắm giữ chức vụ, còn liên quan và có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Ở tỉnh, thành phố, một người được bổ nhiệm giữ chức vụ trưởng, phó phòng đâu chỉ có tác động, ảnh hưởng trong phạm vi của ngành đó, mà còn có ảnh hưởng rất lớn đối với toàn tỉnh, thành.
Đã đến lúc cần xem lại phân cấp về thẩm quyền cán bộ hiện nay. Tất nhiên, khi làm chặt chẽ việc này có thể sẽ xảy ra những hệ lụy khác như quy trình sẽ lâu hơn, chậm hơn… Nhưng đã đến lúc không thể không siết lại vấn đề này. Chọn cán bộ sai vì lợi ích riêng của một vài cá nhân nào đó thì không chỉ xảy ra nguy cơ rất lớn với Đảng đó là tiếp tục suy giảm niềm tin với dân, mà những kẻ xấu lọt vào hàng ngũ cán bộ còn có thể gây nguy hại cho đất nước.
NHƯ ÁI