Báo Đồng Nai điện tử
En

Giấc mơ công nghệ cao

10:06, 22/06/2016

Phát triển công nghiệp công nghệ cao không chỉ Đồng Nai mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng đang hướng tới. Công nghiệp công nghệ cao phát triển đồng nghĩa với việc nền công nghiệp đã được nâng tầm, sản phẩm làm ra sẽ có giá trị gia tăng cao hơn.

Phát triển công nghiệp công nghệ cao không chỉ Đồng Nai mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng đang hướng tới. Công nghiệp công nghệ cao phát triển đồng nghĩa với việc nền công nghiệp đã được nâng tầm, sản phẩm làm ra sẽ có giá trị gia tăng cao hơn. Nhưng điều mà Đồng Nai nhắm đến là sau khi phát triển công nghệ cao sẽ từng bước chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng chủ động nguyên liệu sản xuất, giảm nhập khẩu và tăng giá trị xuất khẩu và tăng xuất siêu. Khi chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng được hưởng các ưu đãi về thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã và sẽ ký kết. Khi ấy hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sẽ tăng được khả năng cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác.

Trước năm 2011, Đồng Nai chưa có doanh nghiệp công nghệ cao. Trong giai đoạn 2011-2015 đã thu hút được 5 doanh nghiệp công nghệ cao và 4 doanh nghiệp công nghệ cao chính thức sản xuất cho giá trị hơn 8 ngàn tỷ đồng/năm. Hiện Chính phủ đã phê duyệt cho Đồng Nai có 1 Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành) do Tập đoàn Amata làm chủ đầu tư. Dự kiến năm 2017 hoàn thành hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đi vào hoạt động sản xuất. Theo đó, việc thu hút phát triển công nghiệp công nghệ cao của Đồng Nai trong những năm tới sẽ có những bước tiến dài. Theo một số chuyên gia về kinh tế, bên cạnh việc trải “thảm đỏ” mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, tỉnh nên yêu cầu các doanh nghiệp phải có cam kết từng bước chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong nước để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tạo thêm nhiều công ăn việc làm với mức thu nhập cao ổn định cho người lao động. Nếu không có cam kết rất dễ xảy ra tình trạng các tập đoàn nước ngoài công nghệ cao chỉ thâm dụng lao động để tối đa hóa lợi nhuận khi đầu tư tại các nước có lao động trẻ, rẻ như Việt Nam. Về lâu dài, phát triển công nghiệp công nghệ cao mà không nhận được chuyển giao công nghệ thì Đồng Nai khó thoát khỏi việc trở thành một công trường gia công, lắp ráp sản phẩm xuất khẩu, giá trị gia tăng vẫn thấp. Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, tăng năng lực nội sinh về công nghệ, nghĩa là phải có “năng lực tiêu hóa” công nghệ mới trên thế giới. Năng lực này không chỉ là mua sắm trang thiết bị hiện đại mà chú ý đào tạo con người làm chủ thiết bị công nghệ cao để luôn giữ vững các đơn hàng ngày càng gia tăng khi luồng đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam tăng.

Các khu công nghiệp Đồng Nai cần tạo môi trường tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận chuyển giao công nghệ và thương mại hóa thành công. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, Đồng Nai hiện đang thiếu lao động tay nghề cao, do đó tới đây tỉnh sẽ liên kết với các trường đại học, cao đẳng và những tập đoàn đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn để đào tạo nguồn lao động trong nước có tay nghề cao, đáp ứng đủ nguồn lao động cho Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành trong tương lai và các doanh nghiệp đang có ý định đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực này. Tỉnh cũng đã chọn ra 5 nhóm thuộc công nghiệp công nghệ cao để ưu tiên phát triển và phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển thêm được 30-50 doanh nghiệp công nghệ cao để nâng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao trong tỉnh chiếm 10-15% giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai.        

Hương Giang

Tin xem nhiều