Báo Đồng Nai điện tử
En

Để nhân dân giám sát, đánh giá cán bộ

11:06, 15/06/2016

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém".

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng được đội ngũ cán bộ thật sự có tâm, có tầm, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ là việc hết sức hệ trọng và cần thiết. Trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ, không chỉ có kiểm tra, giám sát, đánh giá của các tổ chức Đảng mà cần phải tạo cơ chế để người dân tham gia giám sát, đánh giá cán bộ.

Trong công tác cán bộ hiện nay, đánh giá đúng sở trường, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức của cán bộ là điều kiện, là tiền đề để bố trí, sử dụng cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ sẽ là cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí để cán bộ phát huy được tiềm năng và phát triển. Đây cũng là cơ sở nhằm thực hiện đúng chính sách công tác cán bộ và để phê bình những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, không nêu gương, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với tổ chức Đảng. Đánh giá đúng cán bộ sẽ là yếu tố quan trọng để xây dựng đoàn kết thống nhất trong tổ chức Đảng, nâng cao tính tích cực chính trị - xã hội của cán bộ phấn đấu vì nhiệm vụ chung. Ngược lại, nếu đánh giá sai cán bộ, nhất là người đứng đầu, sẽ gây ra những tác hại khôn lường, làm giảm lòng tin của tổ chức, của nhân dân, của xã hội.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ, đánh giá cán bộ như Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), Quyết định số 286-QĐ/TW ngày 8-2-2010 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về việc ban hành quy chế đánh giá cán bộ, công chức”. Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức… Thế nhưng, trong thực tế việc đánh giá chính xác một cán bộ không phải là điều dễ dàng. Nếu trong đánh giá cán bộ, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không nhìn nhận thấu đáo sẽ dễ dẫn tới đánh giá thiếu khách quan hoặc sai lệch.

Trong nhiều tiêu chuẩn về cán bộ lãnh đạo, quản lý thì có một tiêu chuẩn hết sức quan trọng là cán bộ đó phải là người gương mẫu, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, gắn bó mật thiết với nhân dân và được nhân dân tín nhiệm. Đức và tài là tiêu chuẩn quan trọng của người cán bộ, song với nhân dân, người cán bộ còn phải thể hiện sức hút bằng chính phẩm chất, trí tuệ và nhân cách của mình.

Trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay, có một loại vũ khí sắc bén không thể thiếu, đó là thông qua công luận và dư luận nhân dân để giám sát, đánh giá cán bộ.

Như Ái

 

 

Tin xem nhiều