Báo Đồng Nai điện tử
En

Để chính sách phù hợp

10:06, 26/06/2016

"Ra văn bản sai, bộ trưởng chịu trách nhiệm", "kiên quyết chống lợi ích nhóm chi phối chính sách". Đây là những chỉ đạo sát sao và "đột kích" (chữ dùng của ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đang rất được dư luận quan tâm và kỳ vọng.

“Ra văn bản sai, bộ trưởng chịu trách nhiệm”, “kiên quyết chống lợi ích nhóm chi phối chính sách”. Đây là những chỉ đạo sát sao và “đột kích” (chữ dùng của ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đang rất được dư luận quan tâm và kỳ vọng.

Thời gian qua đã xuất hiện những văn bản “nực cười” bị dư luận xã hội đàm tiếu và “ném đá”. Không khó để chỉ ra các văn bản dạng này, như: cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng và người hoạt động cách mạng trước năm 1945 đi thi đại học, quy định ngực lép không được lái xe, quy định nhà báo quay phim chụp ảnh cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phải xin phép và được cho phép, cấm bán thịt sau 8 giờ giết mổ, dự thảo cấm bán rượu bia, in tên cha mẹ trên chứng minh nhân dân…

Những văn bản sai dạng này nhiều khi không gây tác hại lớn mà chủ yếu chỉ gây “bão cười”, gây đàm tiếu trong xã hội bởi sự “ngớ ngẩn”, mà đa phần do trình độ của đội ngũ tham mưu soạn thảo. Cái sai đáng sợ nhất là các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản vì lợi ích cá nhân có thể lồng vào đó những quy định nhằm trục lợi và tham nhũng. Kiểu tham nhũng này đặc biệt nguy hiểm bởi được khéo léo che đậy bằng hàng loạt “quy trình” có vẻ rất “đúng quy trình”. Đây chính là kiểu tham nhũng mà gần đây dư luận đã bắt đầu lên tiếng, kể cả trên diễn đàn Quốc hội - tham nhũng bằng chính sách.

Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam hiện nay phải nói rằng khá đầy đủ. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và mới đây nhất là năm 2015 đều có quy định về các đối tượng sẽ tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, gồm: Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, tổ chức khác, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân có quyền tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng có quy định về việc lấy ý kiến người dân cho các dự thảo này.

Mặc dù những quy định là không thiếu, song khi thực hiện tính hiệu quả và thực tiễn không cao. Đa phần người dân ít khi quan tâm đến việc cho ý kiến này bởi một phần bận mưu sinh, phần nữa ít có am hiểu về những lĩnh vực chuyên sâu này.

Một văn bản ra đời phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố, như: hợp hiến, hợp pháp; được ban hành đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự; bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành; bảo đảm tính khả thi và không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thiết nghĩ, trong việc xây dựng và ban hành văn bản của các cơ quan Nhà nước hiện nay, ngoài việc công bố rộng rãi các dự thảo để người dân góp ý thì các cơ quan chủ quản cần đặc biệt chú trọng đến vai trò của các tổ chức xã hội, nhất là các tổ chức thành viên của Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật trong công tác tham gia góp ý kiến, phản biện trong quá trình ban hành và thực thi chính sách. Các cơ quan chủ trì soạn thảo cần chủ động “đặt hàng” để các trí thức phản biện, góp ý kiến. Cần tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực liên quan đến chủ trương, chính sách sẽ ban hành. Mở rộng dân chủ, minh bạch thông tin, trao đổi, đối thoại công khai, thẳng thắn để lắng nghe ý kiến đóng góp, phản biện của các nhà khoa học, của giới trí thức…

Như Ái

 

Tin xem nhiều