Đã gần nửa năm từ khi được trao giấy chứng nhận đầu tư, đến nay, dự án trị giá 660 triệu USD sản xuất sợi kỹ thuật cao của Tập đoàn Hyosung (Thổ Nhĩ Kỳ) vẫn nằm trong danh sách các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất Việt Nam tính trong 9 tháng năm 2015 của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư).
Đã gần nửa năm từ khi được trao giấy chứng nhận đầu tư, đến nay, dự án trị giá 660 triệu USD sản xuất sợi kỹ thuật cao của Tập đoàn Hyosung (Thổ Nhĩ Kỳ) vẫn nằm trong danh sách các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất Việt Nam tính trong 9 tháng năm 2015 của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư). Đây cũng là dự án thuộc nhóm công nghiệp hỗ trợ có vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay tại Đồng Nai.
Không chỉ Hyosung Đồng Nai, người “anh em” của doanh nghiệp này là Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (đã đầu tư tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 từ năm 2007) cũng đã liên tiếp tăng vốn mở rộng sản xuất. Các nhà máy của Hyosung Việt Nam cũng tập trung cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, sản xuất loại sợi ny-lông, polyester, đặc biệt là sợi spandex cùng các loại vải mành, sợi thép dùng cho sản xuất lốp xe ô tô. Đáng chú ý, đến nay Hyosung Việt Nam đã nâng tổng vốn đăng ký lên đến gần 1 tỷ USD.
Nhìn rộng ra, trong vài ba năm gần đây, câu chuyện đổ vốn vào công nghiệp hỗ trợ không phải chỉ là câu chuyện của Hyosung. Cùng với những cơ hội sắp mở ra khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhiều FTA (hiệp định thương mại song phương và đa phương) khác đang đi đến hồi kết, công nghiệp hỗ trợ đã trở thành “ngôi sao” trong thu hút đầu tư vào Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng, để các doanh nghiệp đón đầu hội nhập. Ngoài Hyosung, Đồng Nai còn đón thêm Tập đoàn Kenda (Đài Loan) đầu tư thêm nhà máy sản xuất vỏ lốp xe ô tô, xe máy, xe đạp tổng vốn 160 triệu USD, Công ty TNHH SMC Manufacturing Việt Nam (Nhật Bản) có vốn gần 112 triệu USD sản xuất các thiết bị điều khiển tự động các loại xi lanh, van, cụm van, đế van và 2 công ty sản xuất sợi của Hàn Quốc là Công ty TNHH Kuk II Việt Nam với vốn đầu tư 56 triệu USD, Công ty TNHH Dong II Việt Nam với vốn đầu tư 52 triệu USD...
Vì sao lại là công nghiệp hỗ trợ? Trước mắt, quy tắc xuất xứ hàng hóa của TPP đòi hỏi muốn được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu hàng, sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác đều phải có xuất xứ “nội khối”. Như vậy, những ngành nào, sản phẩm nào sử dụng các nguyên liệu của các nước thứ ba, ngoài thành viên TPP đều không được hưởng. Rất nhanh, doanh nghiệp FDI đã đầu tư mạnh vào công nghiệp hỗ trợ để cung ứng nguyên liệu cho chính mình và bán sản phẩm cho doanh nghiệp khác nếu cần, và rõ ràng, đây sẽ là một thị trường hấp dẫn.
Tuy nhiên, lại một lần nữa, doanh nghiệp trong nước có vẻ như yếu thế trong cuộc chạy đua tận dụng cơ hội này. Bao năm qua, kêu gọi đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ bằng nhiều chính sách gần như bế tắc khi doanh nghiệp cho biết không nhìn thấy cơ hội, cũng không nhìn thấy sự hỗ trợ thiết thực nào nên khá thờ ơ với lĩnh vực này. Cho đến khi các FTA mở ra những góc nhìn mới, cơ hội và thách thức mới, thì công nghiệp hỗ trợ lại trở thành lĩnh vực đầu tư hấp dẫn. Song đến lúc này, cũng chỉ mới ghi nhận được làn sóng đầu tư rõ nét của doanh nghiệp FDI, chưa thấy những dự án tầm cỡ của doanh nghiệp trong nước. Cơ hội là của chung, nhưng sự yếu thế về vốn, tầm nhìn và nhiều thứ khác, thực tế đã biến các FTA thành cơ hội của doanh nghiệp FDI nhiều hơn là những doanh nghiệp trong nước.
Vi Lâm