Báo Đồng Nai điện tử
En

Vươn mầm hy vọng

10:08, 30/08/2015

Một cán bộ làm công tác quản lý trại giam từng tâm tình, những ngày vui nhất trong năm của ông là các dịp đặc xá.

Một cán bộ làm công tác quản lý trại giam từng tâm tình, những ngày vui nhất trong năm của ông là các dịp đặc xá. Từ không khí náo nức, hồi hộp khi xem xét đặc xá cho đến niềm vui vỡ òa của các phạm nhân trong ngày trở về, bao giờ cũng để lại trong lòng ông và những cán bộ, chiến sĩ công tác tại trại những cảm xúc khó quên. Nhưng trong niềm vui ấy, ông luôn đau đáu câu hỏi: liệu ông có còn phải gặp lại những khuôn mặt ấy trong hoàn cảnh không mong muốn? Theo ước tính của trại, gần 30% phạm nhân đã “tái ngộ” trại giam sau khi ra tù - một con số đã khiến mọi người phải trăn trở.

Đặc xá là chế định pháp lý thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước theo truyền thống nhân đạo của dân tộc đối với những người phạm tội, ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy chế của phạm nhân, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Việc tổ chức xem xét đặc xá một cách công bằng, đúng đối tượng là “chuyện nhỏ” bởi đã có các quy định, nhưng làm sao để quản lý số lượng lớn những người đã từng “vào tù ra khám”, giữ ổn định an ninh trật tự các địa phương, đồng thời giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, trở về con đường thiện lương, không bị phần tử xấu lôi kéo, dụ dỗ vào các hành vi phạm pháp… mới là khâu nhọc nhằn, vất vả của các cơ quan chức năng.

Với những người lầm lỡ, khi trở về cộng đồng phải đối diện với rất nhiều khó khăn: không có nghề nghiệp, không có việc làm ổn định dẫn đến đời sống bấp bênh, trong đó khó khăn nhất chính là sự kỳ thị của những người xung quanh dễ khiến họ nảy sinh tâm lý mặc cảm, sống thu mình lại hoặc sống “bất cần đời”. Trong tâm lý chông chênh ấy, cái xấu bao giờ cũng quyến rũ và hấp dẫn, nên con đường hoàn lương càng gập ghềnh hơn. Vì vậy, người lầm lỡ cần rất nhiều: sự hỗ trợ để có nghề nghiệp, việc làm, thu nhập; cái nhìn thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ từ cộng đồng để làm điểm tựa tránh xa điều xấu, cái ác…

Trong thực tế, cộng đồng để người lầm lỡ tái hòa nhập chính là xóm, ấp, khu phố. Nếu cộng đồng hỗ trợ tốt để người lầm lỡ được hoàn lương, cũng chính là tự giữ gìn sự bình cho địa phương, xóm làng thêm được công dân tốt. Vì vậy, việc hỗ trợ người hoàn lương không phải là công tác từ thiện xã hội hay nhiệm vụ của Nhà nước, mà cần được xem là trách nhiệm xã hội của mỗi thành viên trong cộng đồng. Bên cạnh đó, người lầm lỡ cũng cần được trang bị những hiểu biết cơ bản về giá trị sống, các kỹ năng giao tiếp, sử dụng các dịch vụ xã hội, không chỉ để tăng khả năng chủ động hòa nhập cộng đồng mà còn nâng cao nhận thức về bản thân, về lòng tự trọng để sống tốt hơn.

Dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, Đồng Nai sẽ tiếp nhận khoảng 700 người được đặc xá từ các trại giam, nhà giam giữ trở về nơi cư trú. 700 con người với 700 hoàn cảnh khác nhau cần phải được quan tâm, hỗ trợ về tinh thần, vật chất, là một áp lực rất lớn đối với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Những năm qua, bên cạnh mô hình Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự do Công an tỉnh tổ chức nhằm hỗ trợ vốn cho người hoàn lương, các địa phương trong tỉnh đều có nhiều mô hình hỗ trợ người lầm lỡ, như  thăm hỏi, tặng quà những gia đình có con em là phạm nhân đang chấp hành án, động viên gia đình tiếp tục là chỗ dựa cho phạm nhân cải tạo tốt, làm lại cuộc đời; giới thiệu việc làm cho người được tha tù… “Không ai đánh người chạy lại”, đạo lý ngàn đời của dân tộc vẫn đang ngày ngày được thực hiện, tiếp nối. Và với những người lầm lỡ, hạt giống hy vọng vẫn được vươn mầm.

Hà Lam

Tin xem nhiều