Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thể mãi "ban ơn"...

11:08, 12/08/2015

Thời gian gần đây, Bộ Y tế liên tiếp ban hành các văn bản yêu cầu các cơ sở y tế trong cả nước thay đổi thái độ phục vụ, thực hiện nghiêm quy định về y đức khi khám, chữa bệnh cho người dân. Và không chỉ "nói suông", "hứa suông", lần này không ít trường hợp đã bị xử lý vì vi phạm những quy định của ngành.

Thời gian gần đây, Bộ Y tế liên tiếp ban hành các văn bản yêu cầu các cơ sở y tế trong cả nước thay đổi thái độ phục vụ, thực hiện nghiêm quy định về y đức khi khám, chữa bệnh cho người dân. Và không chỉ “nói suông”, “hứa suông”, lần này không ít trường hợp đã bị xử lý vì vi phạm những quy định của ngành. Trong 6 tháng đầu năm 2015, qua đường dây nóng, Bộ Y tế đã nhắc nhở, rút kinh nghiệm 2.092 trường hợp, xử lý kỷ luật 62 trường hợp, cắt thi đua 62 trường hợp vì để người bệnh không hài lòng.

Mới đây nhất, 4 bệnh viện lớn của Việt Nam thường xuyên quá tải là: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện K đã ký cam kết thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Thực hiện cam kết này, các bệnh viện sẽ đổi mới bằng những công việc cụ thể, như: nâng cao kỹ năng giao tiếp, thành lập phòng công tác xã hội tại bệnh viện, thực hiện đường dây nóng, duy trì hòm thư góp ý, triển khai đề án “Tiếp sức người bệnh”, xây dựng phong cách, thái độ, phục vụ văn minh, thân thiện theo phương châm: “Người bệnh đến niềm nở/Người bệnh ở tận tình/Người bệnh về dặn dò chu đáo”.

Trả lời báo giới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh việc đổi mới, chấn chỉnh phong cách, thái độ phục vụ người bệnh là thiết yếu, không chỉ vì người bệnh mà còn vì chính sự tồn tại, phát triển của đơn vị. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận đã có không ít “con sâu” làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, đồng thời yêu cầu đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế đổi mới nhận thức từ “ban ơn” cho người bệnh sang phục vụ, lấy người bệnh làm trung tâm với sự hài lòng của họ là số một.

Hàng loạt động thái của ngành y tế cho thấy quyết tâm lấy lại hình ảnh vốn ít nhiều bị ảnh hưởng từ thói quen “ban ơn” cho người bệnh. Đã từ lâu, mỗi khi vào bệnh viện, người bệnh dường như chỉ biết “nói gì nghe đấy”, không dám hỏi, thắc mắc những vấn đề liên quan đến sức khỏe của mình hay người thân trong gia đình mình. Bác sĩ, nhân viên y tế “nhìn” người bệnh với thái độ lạnh lùng, thậm chí là cáu gắt, vòi vĩnh. Người bệnh chẳng đặng đừng phải vào bệnh viện, đã chịu đau đớn về thể chất lại căng thẳng về tinh thần nên bệnh chồng bệnh.

Tất nhiên, để thay đổi một thói quen đã hình thành từ lâu không dễ, nhất là trong điều kiện cả nước đang thiếu trầm trọng nguồn bác sĩ, dẫn đến một bác sĩ phải gánh việc cho cả chục người. Bên cạnh đó, môi trường làm việc còn thiếu thốn, tiền lương chưa thỏa đáng… cũng khiến cho đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế chưa toàn tâm toàn ý cho công việc, từ đó nảy sinh thái độ cư xử khiến bệnh nhân không hài lòng.

Quyết tâm của ngành đã có và rõ ràng, với những biện pháp ban đầu như đặt các hộp thư góp ý, hình thành đường dây nóng ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh từ trung ương đến địa phương đã kịp thời ghi nhận những ý kiến phản ánh của người dân về chuyên môn cũng như vi phạm y đức của nhân viên y tế. Chưa khi nào người dân lại được tham gia rộng rãi vào quá trình chăm sóc sức khỏe cho bản thân như bây giờ. Vì thế, để phát triển, chắc chắn ngành y tế sẽ không thể mãi “ban ơn” được.  

Minh Ngọc

Tin xem nhiều