Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai giảng vì học trò

10:08, 23/08/2015

Đã từ rất lâu rồi, ngày khai giảng không còn là ngày bắt đầu của một năm học mới. Trước đó cả tháng, học sinh tất cả các cấp học đã tựu trường, chính thức học các môn trong chương trình.

Đã từ rất lâu rồi, ngày khai giảng không còn là ngày bắt đầu của một năm học mới. Trước đó cả tháng, học sinh tất cả các cấp học đã tựu trường, chính thức học các môn trong chương trình. Bởi vậy, cái háo hức, mong chờ gặp thầy, gặp bạn không còn và thật khó để cảm nhận được những cảm xúc đẹp mà Thanh Tịnh đã viết trong Tôi đi học mà nhiều thế hệ học sinh đã thuộc lòng: “Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường…”.

Nói không quá khi lễ khai giảng năm học mới bây giờ chủ yếu dành cho người lớn với những bài phát biểu dài lê thê, những thủ tục trao - nhận rườm rà. Học sinh - đối tượng đáng ra là nhân vật chính lại chịu nhiều thiệt thòi khi ít được tham gia các hoạt động vui chơi trong ngày khai giảng. Thậm chí, không ít trường vì phải chờ cho được khách mời tới dự lễ đã bắt những học sinh mới 6-7 tuổi đầu đội nắng, đi khai giảng thay vì vui vẻ, háo hức lại mệt mỏi bơ phờ. Nhiều lễ khai giảng đã diễn ra trong tẻ nhạt, không để lại ấn tượng gì đặc biệt cho học sinh.

Còn nhớ vào mùa khai giảng năm học 2014-2015, cộng đồng mạng đã phát sốt khi đoạn clip ghi lại cảnh thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (TP.Hà Nội) ăn bận trẻ trung nhảy hip hop cùng giáo viên và học sinh trong trường. Tâm sự sau đó, thầy hiệu trưởng cho biết thay vì bắt học sinh ngáp ngủ bằng những báo cáo dài loằng ngoằng, thầy  muốn tạo ra một không khí vui tươi, trẻ trung để cả thầy và trò bước vào năm học mới với sự phấn khích, mới mẻ. Thầy đã học điệu nhảy hip hop từ  chính những học trò mình và chuẩn bị một bộ đồ đúng phong cách để “chơi” với học sinh và giáo viên trong ngày khai giảng.

Để có một lễ khai giảng đặc biệt như ở trường THPT trên không quá khó nhưng cái khó chính là làm sao để thay đổi lối suy nghĩ vốn đã ăn sâu rằng khai giảng là phải đầy đủ lễ nghi… Tất nhiên, có những nghi thức mà các trường học không thể bỏ qua, như: đọc thư của Chủ tịch nước chúc mừng năm học mới, đánh trống khai trường… nhưng cần tăng cường những hoạt động văn nghệ, vui chơi để học sinh được tham gia với tâm lý thoải mái, vui vẻ.

Mới đây, phát biểu tại lễ tổng kết năm học 2014-2015, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đề nghị ngành giáo dục cả nước nên thống nhất tổ chức ngày khai giảng vào cùng thời điểm với những nghi thức hết sức ngắn gọn để dành thời gian cho học sinh tham gia phần hội với những hoạt động thiết thực. Chỉ đạo này đã nhận được sự đồng thuận cao của xã hội, bởi đã đến lúc nhà trường không nên” “ăn bớt” thời gian của học sinh hơn nữa.  

 “Đó là những thứ rất cụ thể phải làm, để thực sự vì học sinh. Nhất định không để cảnh các cháu nhỏ phải đứng vẫy cờ nhiêu khê, khổ sở, phải nghe những bài phát biểu mà các cháu không hiểu” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói như thế.

Hy vọng, mùa khai giảng năm học mới này, sẽ có nhiều hơn những lễ khai giảng đặc biệt dành cho học trò, thật sự vì học trò.

NGUYỄN PHƯỢNG

 

Tin xem nhiều