Chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, cả tỷ USD đã được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, mà mới nhất là "đại gia" ngành thép Hòa Phát bỏ hơn 200 tỷ đồng cho nhà máy sản xuất tại TX.Long Khánh, góp phần vào việc biến Đồng Nai thành một trong những "thủ phủ" sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất cả nước.
Chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, cả tỷ USD đã được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, mà mới nhất là “đại gia” ngành thép Hòa Phát bỏ hơn 200 tỷ đồng cho nhà máy sản xuất tại TX.Long Khánh, góp phần vào việc biến Đồng Nai thành một trong những “thủ phủ” sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất cả nước. Phát biểu trên các phương tiện truyền thông, lãnh đạo Hòa Phát nhận định, thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn đạt mức tăng khoảng 10%/năm, với nhu cầu dự báo đến năm 2015 là 18-20 triệu tấn thức ăn công nghiệp, doanh số có thể lên tới 6 tỷ USD. Nếu hiệu quả, sau 10 năm doanh thu trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi của Hòa Phát sẽ tương đương với sản phẩm thép hiện nay của tập đoàn.
Hiện tại, theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với khoảng 50 doanh nghiệp đang nắm giữ khoảng 60% thị phần thức ăn chăn nuôi cả nước, với những con “cá mập” như CP hoặc Cargill, trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam dù số lượng lớn (240 doanh nghiệp) chỉ chia nhau 40% còn lại.
Câu hỏi là: Doanh nghiệp Việt Nam có cạnh tranh nổi với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi hay không? Thức ăn chăn nuôi chiếm phần lớn trong giá thành mỗi con heo, con gà, do đó khi nắm giữ thị phần quá lớn, liệu các doanh nghiệp lớn có thao túng thị trường, giá cả và góp phần làm sản phẩm chăn nuôi Việt Nam ngày càng kém sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường Việt Nam sẽ phải mở cửa hoàn toàn khi các hiệp định thương mại quan trọng được ký kết? Thực tế cho thấy, cuộc chơi luôn vận hành theo luật chơi của “kẻ mạnh”, và nhiều năm qua giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam chỉ tăng mà hiếm khi giảm dù giá nguyên liệu sản xuất có giảm đến mức nào chăng nữa, gây nhiều khó khăn cho nông dân trong nước.
Khi bước vào thị trường Việt Nam, các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi khi vào Việt Nam đều có chiến lược kinh doanh bài bản: đầu tiên là cung cấp thức ăn, con giống, sau đó là thiết lập các trang trại chăn nuôi, xây dựng nhà máy chế biến, thành lập mạng lưới phân phối, tất cả các khâu được tạo thành một chuỗi khép kín.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước thường chỉ tham gia được 1-2 khâu trong chuỗi này và chịu sự lệ thuộc từ nhiều phía: nhà máy chế biến, phân phối, các trang trại chăn nuôi… dẫn đến yếu thế trong cạnh tranh. Ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, đánh giá các tập đoàn lớn luôn nắm giữ nhiều lợi thế so với doanh nghiệp nhỏ trong nước, như: có vốn lớn, đầu tư bài bản, có những chính sách ưu đãi cao cho các đại lý phân phối và quan trọng nhất vẫn là xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu cung cấp con giống, thức ăn, mua lại sản phẩm, chế biến và đưa ra thị trường.
Hòa Phát đang xây dựng tham vọng tạo một chuỗi liên kết lớn khép kín trong chăn nuôi, như các tập đoàn lớn đã làm. Tất cả những tính toán hiện tại vẫn chỉ là tính toán, đến năm 2016, khi Hòa Phát bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường thì câu trả lời thành công hay thất bại mới rõ dần lên. Tuy vậy, sự nghiêm túc và nhiệt huyết trong đầu tư vào chăn nuôi của Hòa Phát hy vọng sẽ tiếp lửa được cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam lớn khác đầu tư vào chăn nuôi, nông nghiệp, cùng nhau đóng những “thuyền to” để đón các cơn sóng lớn đã rất gần ngay trên chính ao nhà.
VI LÂM