Ngày 25-6, Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai đã làm lễ khởi công dự án hệ thống cấp nước Thiện Tân giai đoạn 2 với công suất 100 ngàn m3/ngày.
Ngày 25-6, Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai đã làm lễ khởi công dự án hệ thống cấp nước Thiện Tân giai đoạn 2 với công suất 100 ngàn m3/ngày. Đây là dự án hệ thống cấp nước Thiện Tân giai đoạn 2 nằm trong dự án mở rộng hệ thống cấp nước Thiện Tân (giai đoạn 1) để nâng công suất lên 200 ngàn m3/ngày. Dự án được kỳ vọng sẽ sản xuất và cung cấp nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt của dân cư và sản xuất của các khu công nghiệp nằm trong phạm vi TP.Biên Hòa; Khu dân cư Thạnh Phú, Khu công nghiệp Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu); các khu dân cư và các khu công nghiệp nằm dọc trên quốc lộ 1, thuộc huyện Trảng Bom.
Cách đây hơn 1 năm, tháng 3-2014, dự án hệ thống cấp nước Nhơn Trạch cũng đã được khánh thành với công suất 100.000 m3/ngày, cung cấp nước cho dân cư và sản xuất dọc hành lang quốc lộ 51 từ Tam Phước, An Phước, Long Thành đến Nhơn Trạch.
Sắp tới sẽ là dự án Thiện Tân và Nhơn Trạch giai đoạn 2, hứa hẹn sẽ giải quyết thêm nhu cầu bức thiết về nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, theo tính toán của Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai, đến năm 2020, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân Đồng Nai sẽ lên đến 1 triệu m3/ngày. Do đó ngay cả khi cả 4 hệ thống này đi vào hoạt động đồng bộ, cũng chỉ cung cấp được 60% nhu cầu nước cho sinh hoạt và sản xuất.
Nước sạch cho người dân là một nhu cầu bức thiết từ thành thị đến nông thôn. Tuy nhiên, đầu tư hạ tầng cấp nước lại đòi hỏi một lượng vốn khá lớn mà ngân sách không dễ gì đáp ứng. Các chính sách xã hội hóa, kêu gọi tư nhân đầu tư tuy đã có, song đi vào thực tế lại vướng mắc nhiều điều. Trước hết, tìm nhà đầu tư đủ năng lực tài chính để tham gia dự án không phải dễ, thêm vào đó thời gian thu hồi vốn kéo dài cũng khiến nhiều nhà đầu tư ngần ngại. Một số tỉnh phía Bắc cũng từng kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng hạ tầng cấp nước, nhưng ít thành công vì lĩnh vực này không hấp dẫn bằng các lĩnh vực khác, như: đường cao tốc, cảng, sân bay…
Chính vì vậy, nhiều năm nay Đồng Nai đã nỗ lực hết sức trong việc tìm kiếm và kêu gọi các nguồn vay vốn ODA để đầu tư mới và nâng cấp hệ thống cấp nước. Đáng mừng là Hàn Quốc và Nhật Bản đã chọn các dự án cấp nước của Đồng Nai để cho vay. Tính tổng cộng, dự án Thiện Tân sẽ cần khoảng 1.800 tỷ đồng, và dự án Nhơn Trạch cần hơn 5 ngàn tỷ đồng - con số không hề nhỏ.
Ai cũng biết vay nợ là gánh nặng, vay vốn ODA cũng luôn đi kèm với những cái giá phải trả. Do vậy, “liệu cơm gắp mắm” và sử dụng vốn vay minh bạch, đúng đắn là điều mà người dân - những người sẽ trả nợ vốn ODA - mong mỏi nhất.
VI LÂM