Báo Đồng Nai điện tử
En

Người lớn làm gương

09:06, 28/06/2015

Việc giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người dân khi đi đường phải được quan tâm thực hiện ngay từ gia đình - tế bào của xã hội, trong đó những người lớn phải làm gương để con trẻ noi theo.

Một hôm rước con từ Trường mầm non Hướng Dương về đến ngã tư đường Cách Mạng Tháng Tám - Phan Chu Trinh (TP.Biên Hòa), gặp đèn tín hiệu giao thông màu xanh chỉ còn 2 giây, nhưng lúc này trời chuyển mưa dông nên tôi tranh thủ cho xe máy vượt nhanh qua ngã tư. Đến khoảng giữa ngã tư, thấy cột đèn tín hiệu giao thông phía trước chuyển sang màu đỏ, con gái tôi bỗng la lên: “Ba vượt đèn đỏ rồi kìa. Cô giáo con dạy khi chạy xe không được vượt đèn đỏ”. Lời nhắc nhở của con gái nhỏ làm tôi thấy xấu hổ, đành chữa thẹn bằng lời giải thích với con rằng cố gắng đi nhanh về kẻo trời mưa ướt.

Các phụ huynh, những người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông trên đường thường vì một lý do nào đó mà vô tư vi phạm pháp luật giao thông, như: đi ngược chiều để không phải đi đường vòng xa; vượt đèn đỏ vì không muốn chờ đợi mất thời gian; không đội mũ bảo hiểm vì thấy vướng víu khó chịu. Thậm chí, phần đường bộ, hầm đường bộ, cầu vượt dành cho xe ô tô nhưng người đi xe máy vẫn vô tư đi vào... Những lỗi vi phạm giao thông xuất phát từ sự chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông ấy thật nguy hiểm, có thể dẫn đến tai nạn giao thông bất cứ lúc nào, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bản thân và những người cùng tham gia giao thông.

Từ đầu năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 233 vụ tai nạn giao thông, làm chết 159 người, bị thương 184 người. Trong đó, ngoài những yếu tố khách quan, có khoảng 90% số vụ tai nạn giao thông xảy ra bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan là do ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây ra, như: chạy quá tốc độ, lưu thông ngược chiều, đi không đúng phần đường, làn đường, chuyển hướng đột ngột…

Thượng tá Đặng Thế Trung, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, cho biết 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng cảnh sát giao thông của tỉnh đã phát hiện, xử lý 115 ngàn trường hợp vi phạm pháp luật giao thông. Trong đó, các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông chiếm số lượng cao, như: 25 ngàn trường hợp vi phạm tốc độ, trên 12 ngàn trường hợp đi không đúng phần đường và tránh vượt sai, gần 2 ngàn trường hợp vượt đèn đỏ, hơn 5,2 ngàn trường hợp chuyển hướng không báo hiệu, gần 600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn…

Điều đáng lưu ý là việc tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo đảm an toàn giao thông được phổ biến dưới nhiều hình thức, bằng nhiều phương tiện và thực hiện thường xuyên, nhưng vẫn còn một bộ phận đáng kể người đi đường bất chấp pháp luật giao thông khiến tai nạn giao thông xảy ra.

Việc giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người dân khi đi đường phải được quan tâm thực hiện ngay từ gia đình - tế bào của xã hội, trong đó những người lớn phải làm gương để con trẻ noi theo. Bởi như Thượng tá Ngô Mạnh Hùng, Phó trưởng Công an TP.Biên Hòa, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông TP.Biên Hòa, đã nói: “Việc nêu gương của phụ huynh khi tham gia giao thông rất quan trọng, tác động trực tiếp và hình thành ý thức của con em khi tham gia giao thông. Những hành vi vi phạm của phụ huynh nếu lặp lại nhiều lần sẽ làm con em bắt chước vi phạm khi đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông”. Do đó, lấy gia đình làm trọng tâm tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông sẽ là một trong những cách làm có hiệu quả.

Phạm Mai

Tin xem nhiều