Chuyện ngập ở TP.Biên Hòa những năm gần đây không còn xa lạ với cư dân trong thành phố, mà nó đã trở nên bình thường đến độ quá quen thuộc, bởi hầu hết sau những cơn mưa lớn thì nhiều tuyến đường thành… "sông".
Chuyện ngập ở TP.Biên Hòa những năm gần đây không còn xa lạ với cư dân trong thành phố, mà nó đã trở nên bình thường đến độ quá quen thuộc, bởi hầu hết sau những cơn mưa lớn thì nhiều tuyến đường thành… “sông”. Đường thành sông khiến việc đi lại khó khăn khi có điểm nước ngập dâng cao làm xe 2 bánh tắt máy, người điều khiển phương tiện buộc phải lầm lũi dẫn bộ. Chỉ cần thấy một vài xe máy không thể đi đường… “sông” nên những người khác chẳng dại gì rú ga cho xe đi xuống nước để lại phải dẫn bộ, dẫn đến chỗ giao thông dồn ứ.
Ngoài đường, tình trạng lưu thông lộn xộn ở những điểm ngập là khó tránh khỏi. Thậm chí, có trường hợp lội bì bõm và không đoán được đoạn nước ngập phía trước là hố nên đã té nhào, vùng vẫy khổ sở trong dòng nước bẩn mà vụ ở đoạn cầu Săn Máu cách đây ít năm là một ví dụ. Trong gia đình, ở những khu vực trũng, thấp hơn mặt đường càng cơ cực hơn vì nước ào ào tuôn vào nhà làm ngập đồ đạc. Có những bà mẹ thấy nước ngập chỉ biết ôm con nhỏ tháo chạy khỏi nhà vì sợ điện giật, mặc cho vật dụng hư hỏng vì thấm nước. Sau những cơn mưa lớn làm ngập đường phố, các hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của người dân gần như bị tê liệt vì tất cả phải chờ cho nước rút, có khi mất hàng giờ đồng hồ. Công việc ngưng trệ, thời gian chờ để đường sá được giải tỏa sau mưa cứ lặp đi lặp lại hết năm này qua năm nọ, đến độ người dân Biên Hòa chỉ biết than với nhau rằng, lỗi là tại ông trời nên điệp khúc “mưa là ngập” tiếp diễn mãi.
Thực tế, ngoài “lỗi” của ông trời vì đã làm mưa quá lớn khiến cho cuộc sống người dân bị ảnh hưởng, còn có lỗi của “cụ” hệ thống thoát nước. Đây là điều ai cũng biết, vì cùng với sự phát triển không ngừng của một thành phố loại II như Biên Hòa thì mạng lưới dẫn thoát nước lại quá cũ kỹ. Nó lạc hậu đến nỗi phải dùng chung nước thải sinh hoạt của nhân dân toàn thành phố với nước mưa từ trên trời rơi xuống. Hầu như năm nào ngành chủ quản thành phố cũng phải tổ chức đi thông cống, nạo vét tất cả hệ thống thoát nước, nhưng dường như mọi cố gắng của công nhân lao động chỉ bằng không nên cứ mưa là ngập tiếp tục diễn ra. Bởi rõ ràng, lưu lượng nước thải và nước mưa đổ về các ống cống đã vượt xa khả năng thoát của công trình đã hình thành cách nay mấy chục năm. Trong khi đó, dân cư tăng, các khu dân cư mới ngày càng phát triển ở nhiều khu vực càng khiến cho việc chống ngập ở Biên Hòa đi vào ngõ bí. Những năm trước, TP.Biên Hòa chỉ có 15 điểm ngập thì năm nay đã tăng thêm 2 điểm. Điều này cho thấy, việc chống ngập đối với TP.Biên Hòa vẫn chưa có một giải pháp hữu hiệu, nói cách khác đó là bài toán khó nên sau hàng chục năm loay hoay vẫn chưa có lời giải.
Từ năm 2008, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa. Nếu công trình này có điều kiện để thực hiện sớm hơn, chắc chắn sẽ hóa giải những tồn tại về chuyện ngập đối với nhiều tuyến đường trong thành phố. Tuy nhiên, dự án đến nay vẫn chưa ký được hiệp định vay vốn ODA của Nhật Bản để thực hiện với tổng kinh phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng, là điều ngân sách Nhà nước không thể giải quyết. Đây là những khó khăn đối với một dự án mà các ngành chức năng đang bị động về nguồn tài chính, một khi tài khóa 2015 từ chính phủ Nhật Bản trong năm nay mới dành cho Việt Nam về công trình này. Hy vọng chẳng bao lâu nữa, tình trạng ngập ở TP.Biên Hòa sẽ không còn là đề tài bàn thảo kéo dài đã quá lâu.
Tạ Nguyên