Báo Đồng Nai điện tử
En

"Khát" sân chơi

12:06, 02/06/2015

Chứng kiến cảnh các em thiếu nhi lúng túng khi lần đầu được đến một trung tâm vui chơi sang trọng, rồi vui mừng đón nhận quà là gói bắp rang, ly nước ngọt để vào xem phim miễn phí nhân Ngày quốc tế Thiếu nhi 1-6, những người làm cha làm mẹ và những người tổ chức chương trình không thể không chạnh lòng.

 

Chứng kiến cảnh các em thiếu nhi lúng túng khi lần đầu được đến một trung tâm vui chơi sang trọng, rồi vui mừng đón nhận quà là gói bắp rang, ly nước ngọt để vào xem phim miễn phí nhân Ngày quốc tế Thiếu nhi 1-6, những người làm cha làm mẹ và những người tổ chức chương trình không thể không chạnh lòng. Càng phải suy tư nhiều hơn khi số trẻ em này không chỉ sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà cả nhiều trẻ em ngay các phường nội ô TP. Biên Hòa - một đô thị loại II có các khu công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước chưa một lần vào rạp xem phim.

Vì sao trẻ em chưa được tiếp cận các điểm sinh hoạt văn hóa đúng nghĩa? Phải chăng do quá trình đô thị hóa nhanh, không gian công cộng ở thành phố và các khu công nghiệp bị thu hẹp nên chỗ vui chơi, giải trí của thiếu nhi cũng bị ảnh hưởng theo? Lý do trên rõ ràng là không thuyết phục, vì suốt thời gian qua tỉnh đã đầu tư cho hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở từ tỉnh đến cơ sở, thậm chí ngay cả ở huyện miền núi Tân Phú, phần lớn thị trấn và các xã đều có nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng.

Đã có các điểm sinh hoạt văn hóa, nhưng sao thanh thiếu niên vẫn còn đến internet “cày” game, rủ nhau ra sông ra hồ tắm để xảy ra tai nạn thương tâm mỗi khi hè về? Đã có “ngôi nhà” dành cho thiếu nhi, nhưng sao cha mẹ vẫn phải đau đầu tìm chỗ cho con sinh hoạt hè. Và “đường dây nóng” của Báo Đồng Nai vẫn nhận liên tiếp được các cuộc gọi từ bạn đọc từ huyện thắc mắc cho con đi học đàn, học múa, hát… ở đâu? Trong khi đó, các trung tâm văn hóa, sinh hoạt công đồng thì thiếu sinh khí vì vắng người đến vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa. Cũng vì đìu hiu nên các trung tâm công cộng ở một số địa phương ít được chăm chút về cảnh quan, cơ sở vật chất và chỉ có người khi có dịp hội họp.

Có thể khẳng định rằng, không thể đẩy trách nhiệm duy trì hoạt động của các trung tâm vui chơi, học tập cộng đồng cho nhà nước, càng không thể đổ lỗi do thiếu nguồn tài chính từ tỉnh rót xuống. Đành rằng “tiền đâu” là vấn đề đầu tiên; cơ sở vật chất khang trang là một yếu tố thuận lợi trong tổ chức hoạt động nhưng ở một số đơn vị đã vượt qua tất cả các khó khăn để có hoạt động phong trào tương đối tốt. Phần lớn, lãnh đạo các đơn vị trên đã năng động tổ chức các chương trình phù hợp với từng đối tượng, liên kết với các đơn vị và xã hội hóa rộng rãi. Kinh nghiệm từ Nhà thiếu nhi Đồng Nai từ lâu không còn cảnh sợ thiếu… “thiếu nhi” nữa, là do đơn vị này đã tạo được nhiều phong trào đánh trúng nhu cầu, sở thích của thanh thiếu nhi. Đơn cử, mô hình năng khiếu bán trú mầm non, Nhà thiếu nhi Đồng Nai còn tổ chức các lớp học năng khiếu theo sở thích và sinh hoạt các đội nhóm. Thế nên mỗi ngày hè nơi đây đón nhận hơn 5 ngàn lượt thanh thiếu nhi đến học tập, vui chơi sinh hoạt.

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân không chỉ dừng lại ở những khu vui chơi giải trí lành mạnh đơn thuần mà còn rất cần những nơi để học tập, bồi dưỡng kỹ năng theo sở thích, như cầu. Chừng nào các đơn vị nắm bắt được nhu cầu này, cộng với tâm huyết thực hiện thì khi đó, mỗi người dân mới được hưởng thụ văn hóa đúng nghĩa.

Lâm Viên

 

Tin xem nhiều