Phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều có hướng tiến thẳng vào giảng đường đại học, nhất là khi cánh cửa vào đại học ngày càng rộng mở, thậm chí không cần thi mà chỉ cần xét học bạ là đậu. Chính vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi sinh viên tốt nghiệp đại học sau đó lại rơi ngay vào "bẫy" thất nghiệp.
Phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều có hướng tiến thẳng vào giảng đường đại học, nhất là khi cánh cửa vào đại học ngày càng rộng mở, thậm chí không cần thi mà chỉ cần xét học bạ là đậu. Chính vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi sinh viên tốt nghiệp đại học sau đó lại rơi ngay vào “bẫy” thất nghiệp.
Nhiều trường cao đẳng đã “lên đời” trở thành đại học, và vẫn còn không ít trường cao đẳng khác cũng đang cậy cục để “lên đời” cho “bằng chị bằng em”. Trong khi đó, việc cấp phép liên kết đào tạo cao đẳng, đại học hiện đang quá dễ dãi dẫn đến liên kết tràn lan, không gắn được với nhu cầu nhân lực thực tế của địa phương, cũng như không ai quản lý được chất lượng đào tạo.
Có trường đại học ở một địa phương vốn được xếp là “vùng trũng” về giáo dục đại học, thế nhưng lâu nay lại rất mạnh ở “món” liên kết với các trường trung cấp và cao đẳng ở Đồng Nai để đào tạo đại học. Việc cho phép trường này liên kết đào tạo với các trường ở Đồng Nai cũng rất thông thoáng, theo kiểu có gì đào tạo nấy.
Thị trường lao động Đồng Nai cũng đang bị mất cân đối cả về trình độ lẫn ngành nghề. Nhu cầu tuyển dụng trong 5 phiên giao dịch việc làm gần đây do Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức có nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm chưa đầy 10% mỗi phiên (khoảng 80 người). Trong khi lao động các ngành kỹ thuật đang thiếu trầm trọng thì lao động một số ngành kinh tế, xã hội lại đang bị thừa mứa, khó tìm việc làm.
Việc sinh viên tốt nghiệp đại học sau đó thất nghiệp, buộc phải cất bằng đại học vào tủ để đi làm công nhân ở các khu công nghiệp chẳng còn là chuyện lạ và hiếm. Đây thực sự là điều rất chua xót cho những sinh viên đã trót “lao” vào giảng đường đại học, và đó còn là sự chua xót cho biết bao lo toan của nhiều bậc phụ huynh để con mình có được tấm bằng đại học trong tay.
Và sẽ còn rất nhiều bài học chua xót nữa, như kiểu kỹ sư công nghệ ô tô mà không biết lái ô tô vì chỉ được học “chay”, dẫn đến không doanh nghiệp nào tuyển dụng. Hay học sinh của một trường trung cấp về y tế có cầm tấm bằng trên tay nhưng suốt 4 năm không có bệnh viện nào nhận, vì trình độ này đã không còn được các bệnh viện sử dụng. Đó cũng là lý do vì sao các trường phải tìm liên kết với thị trường lao động và doanh nghiệp trong đào tạo, từ đó hạn chế việc đào tạo ra những sinh viên “lạc địa chỉ”.
Công Nghĩa