Chỉ ít tháng nữa, vào cuối năm nay, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ thành lập, các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương quan trọng cũng đang đi đến nước cuối trên bàn đàm phán.
Chỉ ít tháng nữa, vào cuối năm nay, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ thành lập, các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương quan trọng cũng đang đi đến nước cuối trên bàn đàm phán.
Tâm trạng của nhiều doanh nghiệp cả lớn lẫn nhỏ phần nhiều là hồi hộp, lo lắng khi sắp đứng trước một thị trường chung rộng lớn mà hàng hóa mình sản xuất ra có thể bị cạnh tranh bởi hàng trăm ngàn doanh nghiệp khắp nơi trong khu vực, trên thế giới khi thuế nhập khẩu về 0%.
Doanh nghiệp lớn lo lắng là một lẽ, nhưng doanh nghiệp nhỏ dường như vẫn chưa biết phải làm gì, chuẩn bị gì cho việc cạnh tranh hàng hóa ngay chính sân nhà.
Theo số liệu Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ước tính Việt Nam đang có khoảng 500 ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa, đóng góp hơn 40% GDP, 30% thu ngân sách và 30% sản lượng công nghiệp. Khu vực này đang giải quyết khoảng 80% lao động Việt Nam.
Song, đây cũng là khu vực dễ tổn thương nhất nếu không chuẩn bị kịp thời cho hội nhập. Phát biểu trên báo điện tử Dân Trí, TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI, nhận xét: “Doanh nghiệp lớn của Việt Nam chỉ chiếm 2%, doanh nghiệp cỡ vừa vừa cũng chỉ dưới 10%, còn lại là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình. Nếu ở trong một ngành, muốn cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ là các tập đoàn xuyên quốc gia, doanh nghiệp có vốn lớn thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp bất lợi. Còn muốn bắt tay để được vào chuỗi cung ứng, sản xuất sản phẩm toàn cầu, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải thoát kiếp “nhỏ” cả về quy mô lẫn năng lực tài chính. Rất khó để các đối tác nước ngoài “xứng ý, toại lòng” bắt tay với doanh nghiệp nhỏ khi họ tồn tại vấn đề trên”.
Rõ ràng, khu vực tạo ra nhiều công ăn việc làm và có số lượng đông nhất trong hiện tại, lại là khu vực đứng trước nhiều thách thức nhất khi đồng loạt yếu ở nhiều khâu: tiếp cận vốn, trình độ kỹ thuật, trình độ bán hàng, quản lý rủi ro… Nhưng cho đến giờ này vẫn chưa có một chiến lược thông tin, huấn luyện, tư vấn, hỗ trợ… nào mang tính nền tảng, thiết thực từ phía Nhà nước nhằm trang bị cho khối doanh nghiệp này những thông tin, kiến thức thực sự theo ngành nghề trước khi bước vào sân chơi lớn. Hầu hết doanh nghiệp đều chỉ nắm thông tin “lõm bõm” qua báo chí, qua vài buổi hội thảo mà thiếu hẳn những kênh tư vấn hỗ trợ “sát sườn”, thực tế cho doanh nghiệp. Trao đổi với Báo Đồng Nai, ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Đồng Nai, cho biết kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc khi tham gia các FTA là Chính phủ kịp thời chia sẻ liên tục về tiến trình thực hiện các FTA và có những chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, không những để mở rộng sản xuất trong nước mà còn đầu tư ra nước ngoài. Ông Park cũng khuyến cáo, để tận dụng được nhiều cơ hội từ các FTA, Việt Nam nên chia sẻ tất cả các thông tin về nội dung hiệp định một cách cụ thể, chi tiết để doanh nghiệp biết rõ và có sự chuẩn bị kỹ càng, trước khi bước vào những thị trường rộng lớn với các đối thủ cạnh tranh dạn dày kinh nghiệm.
VI LÂM