Báo Đồng Nai điện tử
En

Trách nhiệm phải từ cơ sở

10:05, 31/05/2015

Trong Luật Xây dựng, quy định giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình; giấy phép xây dựng có thời hạn là giấy phép xây dựng cấp cho xây dựng công trình...

Trong Luật Xây dựng, quy định giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình; giấy phép xây dựng có thời hạn là giấy phép xây dựng cấp cho xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn nhất định; nhà ở riêng lẻ là công trình được xây dựng trong khuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật. Đối với trách nhiệm của chính quyền địa phương, luật cũng nêu rõ: UBND cấp xã tổ chức triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra và giám sát các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn do mình quản lý.

Những nội dung trong Luật Xây dựng sau đó được Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị để triển khai thực hiện; tiếp đến các bộ, ngành chức năng xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm thực hiện đồng bộ. Nói cách khác, cơ sở về mặt pháp lý đối với tất cả các công trình xây dựng đều đã có những quy định một cách rất cụ thể, chặt chẽ. Tuy nhiên, việc áp dụng luật vào cuộc sống như thế nào lại là chuyện khác. Mới đây, tại cuộc họp với UBND các huyện, TP.Biên Hòa và TX.Long Khánh, Sở Xây dựng đưa ra con số khá bất ngờ về tình trạng xây dựng trái phép trên toàn tỉnh. Theo đó, năm 2013 số lượng công trình xây dựng trái phép được phát hiện là 1.035 trường hợp thì năm 2014 xảy ra 1.099 trường hợp. Rất có thể, con số này chưa dừng lại ở thời điểm hiện tại. Điều này cho thấy, việc quản lý Nhà nước ở địa phương về lĩnh vực xây dựng còn lỏng lẻo. Bởi các đoàn thể, chính quyền cơ sở hiểu rõ nhất người dân cư ngụ trong khu phố là những thành phần nào, thậm chí cả hoàn cảnh cuộc sống mỗi gia đình. Hơn nữa, việc xây dựng không phải dễ dàng “ém nhẹm”, mà nó lồ lộ ra trước thanh thiên bạch nhật thì không thể cho rằng “chúng tôi không biết”. Có điều, việc xử lý ngay từ những viên gạch đầu tiên mới trát xi măng đó như thế nào để không hình thành nên căn nhà; quyết liệt ngăn chặn, giải tỏa nhà xây không phép ra sao để không xuất hiện khu dân cư tự phát mới là điều đáng nói.

Lâu nay các địa phương đều báo cáo định kỳ về tình hình xây dựng ở khu vực mình quản lý như luật quy định, nhưng vì sao vẫn xảy ra tình trạng nhà xây trái phép năm sau “cao hơn” năm trước? Rõ ràng, UBND phường, xã không thể đứng ngoài cuộc đối với tình hình xây dựng ngoài quy hoạch của địa phương mình. Bởi hệ lụy từ những công trình này phải tốn rất nhiều công sức, tiền bạc nhưng chưa thể giải quyết rốt ráo, điển hình là hàng trăm nhà dân tự phát ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu); khu nhà ở ấp Bình Hóa, xã Hóa An (TP.Biên Hòa) đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Chịu trách nhiệm chính về những công trình xây dựng trái phép, không phép ở mỗi địa phương đương nhiên phải là lãnh đạo phường, xã song không thể cứ mãi “rút kinh nghiệm” rồi… huề cả làng. Vì chính quyền cơ sở đã được phân cấp quản lý trong xây dựng nhưng lại không kiểm soát được, dẫn đến tình trạng nhà nhà bỗng dưng “được mọc lên” chính là một thách thức. Điều này cho thấy kỷ cương phép nước bị xem nhẹ, nếu không kịp thời chấn chỉnh thì những tồn tại này sẽ làm cản trở đến sự phát triển của đất nước.

Tạ Nguyên

 

Tin xem nhiều