Tháng 1-2012, Thanh tra Bộ Thông tin - truyền thông tiến hành kiểm tra hoạt động của các đầu số dịch vụ 1900xxxx về việc phát tán tin nhắn rác, lừa đảo để đưa ra biện pháp xử lý.
Tháng 1-2012, Thanh tra Bộ Thông tin - truyền thông tiến hành kiểm tra hoạt động của các đầu số dịch vụ 1900xxxx về việc phát tán tin nhắn rác, lừa đảo để đưa ra biện pháp xử lý.
Ngày 17-8-2012, Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Bắc Son ký ban hành Chỉ thị số 04 về việc tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.
Ngày 24-12-2014, Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Bắc Son đã ký ban hành Chỉ thị số 82 về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng.
Ngày 25-12-2014, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Bộ Thông tin - truyền thông, nhiều đại biểu bức xúc cho biết tin nhắn rác vẫn tiếp tục hoành hành gây bức xúc trong cộng đồng, đó là chưa kể một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng tin nhắn để phát tán các nội dung lừa đảo người dùng, và đặt câu hỏi về trách nhiệm của các nhà mạng cũng như Bộ Thông tin - truyền thông trong vấn đề trên. Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ phải có biện pháp quản lý tin nhắn rác trên tinh thần bảo đảm quyền lợi của cộng đồng, của số đông người dân.
Ngày 3-4-2015, tại hội nghị giao ban quản lý Nhà nước quý I-2015 của Bộ Thông tin - truyền thông, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh đến công tác phối hợp ngăn chặn tin nhắn rác. Đối với người dân, Bộ đề nghị người sử dụng mạng viễn thông hợp tác bằng cách khi nhận được tin nhắn rác, người dân chuyển tiếp tin nhắn đó về đầu số 456 miễn phí của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam.
Nhắc đến hàng loạt cột mốc nói trên, để thấy rằng việc người dân bức xúc trước hành vi phát tán tin nhắn rác, thậm chí lừa đảo qua điện thoại di động là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Rõ ràng, về mặt luật pháp đã có hàng loạt luật, chỉ thị, quy định để xử lý hành vi phát tán tin nhắn rác, lừa đảo. Với các nhà mạng, đã có Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin. Với người vi phạm, đã có Điều 226b Bộ luật Hình sự để xử lý.
Thử hình dung: một thuê bao khi khai báo thông tin (chứng minh nhân dân, địa chỉ) để đăng ký sim điện thoại di động, thông tin này được gửi đến ngành công an để xác minh; khi thuê bao này gửi tin nhắn lừa đảo, người nhận cung cấp thông tin cho đầu số 456 của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, ngay lập tức cơ quan chức năng sẽ xác minh được nhân thân của thuê bao vi phạm, sau đó xử lý theo quy định. Quy trình trên nếu thực hiện được, chắc chắn sẽ hạn chế được tin nhắn rác, lừa đảo. Thế nhưng, cho đến nay sự phối hợp để tạo quy trình đồng bộ trong quản lý như trên vẫn chưa có, đó chính là kẽ hở tạo “đất sống” cho việc phát tán tin nhắn rác, lừa đảo.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến trách nhiệm của các nhà mạng, bởi có thể nói đây là nguyên nhân chính trong vấn nạn tin nhắn rác. Doanh nghiệp muốn đẩy mạnh quảng cáo của mình tới người dân thông qua tin nhắn, nhà mạng cũng thu lợi thông qua phí gửi nhắn, thuê bao đầu số dịch vụ, trong khi đó người dân lại không mong muốn nhận được các tin nhắn “tra tấn”, lừa đảo kiểu này, dẫn đến xung đột giữa lợi ích của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và cộng đồng. Thế nhưng thời gian qua, biện pháp xử lý của Bộ Thông tin - truyền thông đối với các nhà mạng chủ yếu chỉ là nhắc nhở. Trước bức xúc của người dân, đã đến lúc Bộ cần phải “mạnh tay” để lập lại trật tự, kỷ cương, giữ nghiêm phép nước. Bộ cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền về đầu số 456 miễn phí để người dân phản ánh khi cần. Có như vậy, tin nhắn rác, lừa đảo mới không còn là bộ phim dài nhiều tập kéo từ năm này sang năm khác trong sự khổ sở của người dân mà không biết bao giờ mới chấm dứt.
Hà Lam