Những ngày này, phần lớn các trường học trong tỉnh đang tổ chức họp phụ huynh để thông báo tình hình học tập của học sinh sau một năm học có nhiều đổi mới.
Những ngày này, phần lớn các trường học trong tỉnh đang tổ chức họp phụ huynh để thông báo tình hình học tập của học sinh sau một năm học có nhiều đổi mới. Đặc biệt, với những phụ huynh có con đang theo học tiểu học, dù được nhà trường thông báo từ đầu năm học về việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30 nhưng tâm trạng nhìn chung là lo lắng khi những danh hiệu “học sinh giỏi”, “học sinh tiên tiến” không còn. Thay vào đó là phần nhận xét “hoàn thành” hoặc “không hoàn thành”, “đạt” hay “không đạt”.
Lo lắng của phụ huynh là điều khá dễ hiểu bởi sau một năm đồng hành với con, danh hiệu mà các em đạt được gần như 100% là giống nhau. Rất ít học sinh “không hoàn thành” về năng lực học tập và “không đạt” về hạnh kiểm. Vì vậy, số lượng học sinh được khen thưởng cấp trường cũng ít hơn trước và những em được khen chủ yếu là tích cực tham gia các hoạt động phong trào, như: thi giải toán violympic, tiếng Anh… Những học sinh được khen vì có sự tiến bộ vượt bậc trong học tập chưa nhiều. Theo không ít giáo viên, đây là điểm hạn chế rất cần được điều chỉnh khi thực hiện Thông tư 30, bởi với việc đánh giá học sinh tiểu học như hiện nay, dễ dẫn tới hiện tượng cào bằng, học sinh học được 10 điểm cũng như học sinh 5 điểm. Điều này dù mang ý nghĩa nhân văn là không gây áp lực, sự so sánh giữa học sinh này với học sinh kia nhưng lại làm cho tinh thần ganh đua học tập giữa các học sinh bị giảm sút.
Một vấn đề cũng đang gây hoang mang cho phụ huynh có con vừa học xong lớp 5 là với việc áp dụng nhận xét học sinh không bằng điểm số, khi bước vào lớp 6 với cách đánh giá học sinh hàng tuần như hiện nay, hàng tháng, kết thúc năm học bằng điểm số, học sinh sẽ thích ứng ra sao và liệu còn có sự thay đổi nào nữa mà học sinh sẽ phải “gánh” khi chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng? Câu hỏi này đã được không ít phụ huynh bày tỏ với giáo viên và nhà trường, nhưng đều nhận được câu trả lời “không biết”.
Không ai có thể phủ nhận ý nghĩa mà Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học đem lại trong suốt năm học qua, mà điều dễ nhận thấy nhất là những áp lực về điểm số không còn nặng nề như trước. Học sinh được thoải mái hơn trong học tập và có thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa. Những nhận xét mang tính động viên, khuyến khích cũng nhiều hơn, chứng tỏ giáo viên đã có sự chăm chút kỹ lưỡng đến từng học sinh. Phụ huynh vì không nhìn thấy điểm số của con đã chú ý đến những nhận xét từ cô giáo, từ đó quan tâm những điểm yếu mà cô đã phát hiện để kèm cặp. Đặc biệt với những học sinh trung bình, yếu, những lời động viên, khích lệ từ giáo viên sẽ là nguồn cổ vũ để các em vươn lên học tập tốt hơn.
Những quy định mới ra đời bao giờ cũng tồn tại những điểm mạnh và hạn chế. Điểm mạnh của Thông tư 30 đã thấy rõ nhưng hạn chế của nó đang khiến không ít người lo ngại, nhất là trong tình trạng đổi mới nền giáo dục nước nhà còn khá chắp vá, thiếu sự đồng bộ, liên kết. Vì vậy, rất cần sự điều chỉnh hợp lý để chất lượng giáo dục được đảm bảo ngay từ những cấp học đầu tiên.
Minh Ngọc