Nhiều người từng dự đoán rằng, với sự phát triển nhanh của ngành y tế hiện nay, rất có thể tuyến y tế cơ sở - tuyến y tế gần dân nhất sẽ bị "xóa sổ" do hoạt động kém hiệu quả. Điều này cũng có phần đúng, nhưng hãy thử tưởng tượng một ngày các trạm y tế xã không còn tồn tại.
Nhiều người từng dự đoán rằng, với sự phát triển nhanh của ngành y tế hiện nay, rất có thể tuyến y tế cơ sở - tuyến y tế gần dân nhất sẽ bị “xóa sổ” do hoạt động kém hiệu quả. Điều này cũng có phần đúng, nhưng hãy thử tưởng tượng một ngày các trạm y tế xã không còn tồn tại. Khi đó, người dân ở khu vực đô thị sẽ không mấy quan tâm bởi xung quanh đã có bệnh viện công, bệnh viện tư, phòng khám đa khoa… Thế nhưng, ở những xã vùng sâu, vùng xa đi lại còn khó khăn, thiếu trạm y tế đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ về bệnh tật do không được chăm sóc sức khỏe thường xuyên và kịp thời.
Nói như thế để thấy rằng, tuyến y tế cơ sở có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của bất cứ một quốc gia nào nhằm bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện cả nước có trên 11 ngàn trạm y tế xã được bao phủ rộng khắp ở tất cả các địa phương. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được cung cấp đến tất cả mọi người dân, kể cả khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Tuyến y tế này ngày càng được quan tâm, đầu tư khá nhiều máy móc, thiết bị phục vụ cho công tác chẩn đoán, điều trị bệnh ban đầu. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở từng bước được đào tạo, bồi dưỡng nhằm mục tiêu 100% trạm y tế có bác sĩ.
Tuy nhiên, hệ thống y tế cơ sở vẫn còn nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất vẫn thiếu đội ngũ nhân lực có trình độ, năng lực, đảm bảo công tác khám và chẩn đoán bệnh ban đầu cho nhân dân. Hầu hết đội ngũ bác sĩ công tác tại các trạm y tế hiện nay đều có nguồn từ nhân viên y tế tại chỗ (nhiều nhất là lực lượng y sĩ) sau một thời gian công tác được cử đi học để chuẩn hóa. Do không thường xuyên được cập nhật kiến thức y khoa mới nên không phải bác sĩ nào cũng có thể đảm đương tốt công việc, dẫn đến hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho người dân chưa cao. Bên cạnh đó, ở không ít trạm y tế hiện nay, việc sử dụng các trang thiết bị y tế hiện đại không hiệu quả, thậm chí còn xảy ra tình trạng trang thiết bị y tế bị “trùm mền” do không có người sử dụng, gây lãng phí lớn, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào tuyến khám chữa bệnh ban đầu.
Tại hội nghị “Tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân” do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng thế giới (WB) và Liên minh châu Âu (EU) tổ chức mới đây, ông Takeshi Kasai, Giám đốc Quản lý chương trình, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Á - Thái Bình Dương, cho rằng để tuyến y tế cơ sở phát huy hiệu quả, cần thay đổi cách tiếp cận, lấy con người làm trọng tâm, tổ chức dịch vụ y tế dựa trên nhu cầu của người dân, trong đó chú trọng vào vùng sâu, vùng xa… Tuy nhiên, chỉ thực hiện được sự thay đổi này khi những vấn đề về nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở, trang thiết bị y tế cùng chính sách dành cho y tế cơ sở được giải quyết tốt và có sự gắn kết với toàn hệ thống y tế mỗi quốc gia.
Minh Ngọc