Ai cũng biết việc học mang lại tri thức cho con người. Điểm giới hạn trong việc học của mỗi người chính là khả năng của họ cùng mục tiêu tự đặt ra.
Ai cũng biết việc học mang lại tri thức cho con người. Điểm giới hạn trong việc học của mỗi người chính là khả năng của họ cùng mục tiêu tự đặt ra. Tuy nhiên, hiện nay trong xã hội ngoài việc học để có kiến thức, đã xuất hiện tình trạng học để lấy bằng cấp. Điều này không hẳn là xấu, nhất là khi trong hệ thống chính quyền, chính trị ở nước ta chưa xây dựng được quy chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm căn cứ vào năng lực, hiệu quả công việc mà vẫn phải dựa vào bằng cấp. Vậy nên, dù với mục tiêu nào thì việc học tập vẫn được khuyến khích.
Từ trước đến nay, học tập luôn là con đường gian nan vất vả. Trong đó, quá trình tự chiến đấu với bản thân để chống lại sức ì, sự lười biếng luôn tồn tại trong mỗi con người cũng rất cam go. Với một số người, còn là cuộc đấu tranh với hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt để vươn lên học tập. Vì thế, ngoài nỗ lực bản thân, người học cũng rất cần sự hỗ trợ tích cực từ môi trường xung quanh để tạo “sức bật”. Sự hỗ trợ đó là thiết chế học tập (trường, lớp học), môi trường học tập (gia đình, dòng họ, xã hội), các chính sách khuyến học, khuyến tài…
Ở nước ta, từ thế kỷ 15 vua Lê Thánh Tông đã ban Chiếu Khuyến học, cùng với đó là nhiều chính sách, biện pháp tích cực để phát triển giáo dục. Noi gương tiền nhân, từ nhiều năm nay, nhất là từ khi Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Chỉ thị 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vào năm 2007, việc đẩy mạnh và phát triển học tập đã được chú trọng ở nhiều địa phương. Tại Đồng Nai, 171 trung tâm học tập cộng đồng, hoạt động “phủ sóng” tại tất cả các phường, xã, hướng đến “dạy nghề” song song với “dạy chữ” ở nhà trường. Các cấp Hội Khuyến học cũng phát huy tích cực vai trò tiếp sức học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn được vững vàng đến trường qua việc xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, vận động được sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, thời gian gần đây mô hình gia đình, dòng họ hiếu học được nhân rộng và đẩy mạnh. Nhiều dòng họ ở Đồng Nai, như họ Vũ/Võ, họ Đặng, họ Huỳnh… đã phát huy truyền thống gia đình, khuyến khích và hỗ trợ con em học tập, cống hiến nhân tài cho quê hương, đất nước.
Đó là những điểm sáng trong phong trào xây dựng xã hội học tập tại Đồng Nai, với lực lượng nòng cốt là người địa phương. Vậy, còn hơn 600 ngàn công nhân lao động trong tỉnh, trong đó trên 60% là người ngoài tỉnh, đã được thụ hưởng gì? Họ dựa vào những “bệ đỡ” nào để được học tập? Nhà nước, doanh nghiệp đã có những chính sách, cơ chế cụ thể nào để khuyến khích đối tượng này vượt qua khó khăn để học tập nâng cao trình độ, tay nghề? Câu trả lời đã bỏ ngỏ nhiều năm qua, đến nay vẫn chưa có lời đáp. Con số công nhân lao động, nhất là lao động phổ thông được khơi gợi để có ý thức học tập, được tạo điều kiện học tập đến nay vẫn còn quá ít ỏi, dù rằng đây là một trong những quyền lợi chính đáng của người lao động. Một xã hội học tập đúng nghĩa sẽ không toàn vẹn, thiếu vững chắc nếu như vẫn còn đối tượng yếu thế chưa được quan tâm đúng mức.
HÀ LAM