Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 7, 12/04/2025, 13:18 En

Sức dân, lợi ích của dân

10:08, 13/08/2014

Phong trào xây dựng nông thôn mới đang ngày càng lan tỏa và sâu rộng khắp cả nước. Trong đó, Đồng Nai được đánh giá là điển hình cả nước trong xây dựng nông thôn mới với nhiều xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới mà Trung ương đưa ra.

Phong trào xây dựng nông thôn mới đang ngày càng lan tỏa và sâu rộng khắp cả nước. Trong đó, Đồng Nai được đánh giá là điển hình cả nước trong xây dựng nông thôn mới với nhiều xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới mà Trung ương đưa ra.

Tất cả những tiêu chí đề ra đều hướng về mục đích lớn nhất: cải thiện đời sống của nông dân. Sự cải thiện này phải tính trên nhiều mặt: thu nhập, y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, đường sá... Và do đó, cần đến một nguồn vốn “khổng lồ” mà ngân sách không thể đáp ứng. Nguồn vốn đó chủ yếu sẽ phải trông cậy vào chính sự đóng góp của người dân. Và dĩ nhiên, muốn có điều đó, họ phải thấy được lợi ích của chính mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Nam, một nông dân ở ấp Gia Lào, xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc) tính toán, trước khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các tuyến đường đi lại khó khăn, người dân bán 1kg tiêu sẽ chịu thiệt khoảng 2 ngàn đồng; mua phân bón thì chi phí vận chuyển cao nên cũng đắt thêm vài chục ngàn đồng/bao phân bón. Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đã giúp người dân tiết kiệm được những chi phí trên. Tương tự, việc đầu tư điện cũng giúp người dân giảm chi phí, cụ thể nếu như trước kia chỉ sử dụng hệ thống tưới bằng máy phát điện, tiền dầu hết 270 ngàn đồng/ngày, trong khi cũng hệ thống tưới đó nhưng sử dụng điện lưới quốc gia chỉ tốn 100 ngàn đồng.

Sự tính toán nhỏ bé của ông Nam cũng như hàng ngàn nông dân khác tại các xã đã và đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới là xác đáng. Huy động kinh phí, huy động đất đai,  nhân lực để làm đường giao thông nông thôn hay xây một trụ sở sinh hoạt cộng đồng, họ phải thấy được rằng đồng lãi sẽ tăng thêm một chút đối với từng ký nông sản nhờ giao thông thuận lợi, thấy được đôi dép trẻ con không vương bùn đất khi đến trường trên những con đường bê tông sạch sẽ. Và nhất là khi nguồn lực từ dân được sử dụng công khai, minh bạch, có lẽ việc huy động sức dân không còn quá khó khăn.

Thực tế, đã có những địa phương làm được phần việc được xem là khó khăn nhất trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Xuân Lộc là một ví dụ. Nhờ huy động tốt sức dân và người dân đồng lòng với xây dựng nông thôn mới, từ xây dựng đường sá, hạ tầng đến chuyển đổi canh tác, thu nhập của người dân trên địa bàn huyện trong năm 5 qua tăng 21%/năm. Có những xã 5 năm trước thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 10 triệu đồng/người/năm, nay đã tăng lên trên 30 triệu đồng/năm và con số này sẽ còn tăng trong những năm tiếp theo. Lãnh đạo huyện Xuân Lộc từng chia sẻ, vấn đề là phải để người dân nhìn thấy lợi ích của cá nhân, của gia đình, làng xóm khi đóng góp sức lực vào xây dựng nông thôn mới. Vì tất cả những cố gắng đó cũng nhằm để cuộc sống họ đỡ vất vả và khá dần lên. Nếu làm được điều này thì huy động sức dân không khó.

Sẽ không có ngân sách nào đủ lớn để xây dựng kiến thiết toàn bộ cơ sở hạ tầng cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Vậy nên, sự minh bạch và sẻ chia giữa chính quyền - nông dân sẽ là nguồn vốn lớn nhất cho nông thôn “mới” một cách thực sự.

Kim Ngân

Tin xem nhiều