Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 4, 16/04/2025, 00:18 En

Quyết tâm vượt khó

10:08, 03/08/2014

Nhiều năm qua tình cảnh cha mẹ thức trắng đêm xếp hàng trước cổng trường tiểu học, mẫu giáo mong tìm cho con một chỗ ngồi học trong trường chất lượng cao vẫn là nỗi ám ảnh không chỉ đối với những bậc phụ huynh, mà cả với các ngành chức năng.

Cách đây 2 năm, câu chuyện phụ huynh đạp sập cổng Trường THCS Thực nghiệm (Hà Nội) đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng căng thẳng cũng như những bất cập trong tuyển sinh đầu cấp của ngành GD-ĐT. Tại Đồng Nai, tuy chưa xảy ra tình huống “phản giáo dục” như trên, nhưng nhiều năm qua tình cảnh cha mẹ thức trắng đêm xếp hàng trước cổng trường tiểu học, mẫu giáo mong tìm cho con một chỗ ngồi học trong trường chất lượng cao vẫn là nỗi ám ảnh không chỉ đối với những bậc phụ huynh, mà cả với các ngành chức năng. Thế nhưng, dù đã nhìn thấy “thế bí” trước mắt, từ địa phương đến ngành GD-ĐT lẫn loay hoay tìm phương gỡ rối.

Từ lâu, Đồng Nai đã áp dụng phương án phân luồng tuyển sinh theo địa bàn cư trú. Điều này giúp hạn chế tình trạng “nước đổ chỗ trũng”, học sinh tập trung đăng ký quá đông vào một vài trường trọng điểm. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình cảnh các trường tuyển sinh lớp 6 phải căng thẳng sàng lọc bởi số lượng thí sinh đăng ký nhiều gần gấp đôi so với chỉ tiêu. Mỗi năm, các tiêu chí cứ được đặt thêm nhằm loại bớt thí sinh, dần đến mức gần như phi lý, như: phải đạt loại giỏi 5 năm liền, 2 môn chính (Toán, Tiếng Việt) đều phải đạt 10 điểm, nếu nhiều thí sinh có điểm bằng nhau vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh thì lấy tổng điểm học lực môn cả năm của 2 môn Khoa học và Lịch sử - Địa lý lớp 5 để xét… Với nhiều phụ huynh hiện nay, việc nộp đơn đăng ký vào lớp 6 cho con là cả một cơn ác mộng, bởi nếu hồ sơ bị “dạt” ra rất có thể không xin được vào một trường THCS khác. Năm nay, cơ sở vật chất của các trường THCS trong TP.Biên Hòa chỉ có khả năng tiếp nhận 12 ngàn học sinh, trong khi số lượng tốt nghiệp tiểu học là 14 ngàn, như thế 2 ngàn học sinh còn lại sẽ đi đâu, về đâu?

Lâu nay, dư luận thường lên án việc phụ huynh ép con cái học hành, cuối năm phải đạt cho được danh hiệu học sinh giỏi, các môn học phải đạt điểm 10… là chạy theo thành tích, sĩ diện hão, tạo áp lực nặng nề cho con trẻ. Nhưng rõ ràng trong thực tế, nếu không đạt các tiêu chí ấy chắc chắn cơ hội bước vào lớp 6 sẽ bị hẹp lại. Phụ huynh có lỗi hay không khi chỉ muốn an lòng tìm cho con một chỗ học?

Một đô thị loại 2, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh trọng điểm vùng Đông Nam bộ như TP.Biên Hòa, nhưng đến nay vẫn còn 4/30 phường, xã chưa có trường THCS công lập - một số liệu thống kê gây nhức nhối đối với những người có trách nhiệm. Năm học 2014-2015, ngành GD-ĐT TP.Biên Hòa tạm yên với tình trạng học ca ba ở cấp tiểu học, thì lại tiếp tục đối mặt với việc thiếu cơ sở vật chất ở cấp THCS. Ấy là chưa kể đến “món nợ” thiếu trường mẫu giáo công lập ở một số phường, xã. Cứ như vậy, Biên Hòa mãi “chạy sau đuôi” nhu cầu về giáo dục của xã hội. Một vị lãnh đạo của thành phố than thở, đã dự đoán trước được tình hình cơ sở vật chất của giáo dục không đáp ứng kịp tốc độ phát triển cũng như mức độ tăng dân số cơ học của địa phương, nhiều năm trước đã đề xuất xây dựng thêm trường học, nhưng cơ chế trong xây dựng cơ bản còn quá nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là với hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ngân sách eo hẹp như hiện nay.

Năm 2014 là năm toàn ngành GD-ĐT bước vào thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, nghị quyết nêu rõ: “Tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học; có chính sách hỗ trợ để có mặt bằng xây dựng trường. Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin”. Đã đến lúc TP.Biên Hòa cần quyết tâm vượt khó, thật sự quyết liệt trên trận địa cơ sở vật chất để người dân cùng ngành GD-ĐT địa phương thôi cảnh loay hoay, lo lắng vào mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp.      

Hà Lam

 

Tin xem nhiều