
Rất nhiều người Việt Nam đã lớn lên với những ký ức thơ ấu có hình ảnh người mẹ, người bà ủ men nấu các loại rượu gạo, rượu nếp, với hương vị chén cơm rượu ngọt nồng truyền thống ăn với xôi vò trong ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5-5 âm lịch).
Rất nhiều người Việt Nam đã lớn lên với những ký ức thơ ấu có hình ảnh người mẹ, người bà ủ men nấu các loại rượu gạo, rượu nếp, với hương vị chén cơm rượu ngọt nồng truyền thống ăn với xôi vò trong ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5-5 âm lịch). Nền văn minh lúa nước hàng ngàn năm, cộng với thói quen chịu thương chịu khó của người phụ nữ, kỹ thuật nấu rượu gạo trở nên phổ biến tại nhiều nơi. Gạo, củi dễ mua, men bán sẵn ngoài chợ... đã góp phần ra đời những lò rượu thủ công nhan nhản trong từng xóm, ấp. Một thời, rượu đã trở thành một trong những giá trị văn hóa Việt Nam với tập quán “phi tửu bất thành lễ”. Nhưng đến nay “văn hóa rượu gạo” ấy đã sớm bộc lộ những điều gây trăn trở, đặc biệt trong cuộc sống hiện đại. Rượu từ các lò thủ công ngày nay đã chen chân khắp nơi, bán tràn lan. Một số người bán hám lợi còn sử dụng cồn và hóa chất công nghiệp làm ra rượu để đỡ mất công ủ men, giá thành lại rẻ.
Đã có rất nhiều trường hợp ngộ độc rượu dẫn đến chết người. Và nhiều nghiên cứu về kinh tế - xã hội cũng chỉ ra rằng, những tác hại từ rượu đối với con người là rất lớn: thói nghiện ngập, bệnh tật, mất kiểm soát trong hành vi, nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông… Trong hàng loạt các nguyên nhân, giải pháp, việc chọn giải pháp quản lý từ gốc, tức từ khâu sản xuất - kinh doanh được cho là khả thi hơn cả. Để quản lý có hiệu quả việc sản xuất - kinh doanh rượu, cùng với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2013. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện đã nảy sinh nhiều bất cập khiến quy định chưa được thực hiện nghiêm, như: các lò rượu thủ công nhỏ lẻ, hoạt động đứt quãng và manh mún nên địa phương khó quản lý, nguyên liệu cồn công nghiệp gần như bị thả lỏng trên thị trường…
Khâu sản xuất - kinh doanh đã có nhiều bất cập, nhưng sự dễ dãi từ phía người mua có lẽ là nguyên nhân khiến các nơi sản xuất rượu thờ ơ với quy định. Phần đông người Việt Nam đang mua và sử dụng mặt hàng nguy hiểm này một cách rất tùy tiện. Trừ những loại rượu đắt tiền, còn lại hầu như không mấy người quan tâm đến nhãn mác và xuất xứ của các loại rượu bình dân khác. Ở các quốc gia tiên tiến, rượu bia là mặt hàng được kiểm soát rất kỹ, xin giấy phép sản xuất rất khó và thuế nhập khẩu đánh vào mặt hàng này rất cao. Ở một độ tuổi được phép, người thành niên cũng chỉ có thể uống rượu ở một số nơi quy định, không có chuyện thả lỏng tràn lan ở các quán nhậu, quán ăn như tại Việt Nam.
Tất nhiên, sự so sánh nào cũng chỉ là tương đối. Chẳng có gì hay ho khi thu nhập bình quân đầu người chưa cao, nhưng chỉ riêng năm 2013, người Việt Nam đã tiêu thụ gần 3 tỷ lít bia và gần 70 ngàn lít rượu các loại, xếp trong tốp đầu thế giới. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần có sự quản lý đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả đối với rượu, bia và các thức uống có cồn từ khâu sản xuất, kinh doanh cho đến tiêu thụ để không chỉ chống thất thu về thuế, mà còn đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng, nhất là giới trẻ về ý thức tiêu dùng đối với bia, rượu.
Vi Lâm