Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 7, 12/04/2025, 17:24 En

Công bằng và sòng phẳng

10:08, 11/08/2014

Liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp là một trong những liên kết mang tính "rường cột" nếu tính đến chuyện sản xuất lớn. Nông dân lo sản xuất theo chuẩn, doanh nghiệp lo đầu ra sản phẩm. Nhận thức này gần đây lan rộng ở cả chăn nuôi lẫn trồng trọt.

Liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp là một trong những liên kết mang tính “rường cột” nếu tính đến chuyện sản xuất lớn. Nông dân lo sản xuất theo chuẩn, doanh nghiệp lo đầu ra sản phẩm. Nhận thức này gần đây lan rộng ở cả chăn nuôi lẫn trồng trọt. Nhưng trong thực tế, biết bao nhiêu hợp đồng tưởng chừng hai bên cùng có lợi giữa doanh nghiệp và nông dân đã gãy đổ. Có khi lỗi xuất phát từ doanh nghiệp, khi mùa vụ đến họ gặp khó khăn về vốn hoặc thị trường tiêu thụ thu hẹp, không hoàn thành cam kết với nông dân. Có khi sự đổ vỡ lại do nông dân xé rào, do tới mùa thu hoạch lẽ ra phải bán hàng cho doanh nghiệp như thỏa thuận thì lại chuyển sang bán cho thương lái với giá cao hơn.

Sự đổ vỡ này đã diễn ra trên cây lúa, cây sầu riêng, cây điều, cây mía, con tôm… thế nhưng, điều đáng nói là cho đến bây giờ, dường như chưa bao giờ có một cuộc phân xử công bằng nào cho sự đổ vỡ hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp. Cách đây mấy năm, ngay trên địa bàn Đồng Nai, một doanh nghiệp tìm được mối xuất khẩu sầu riêng lớn bèn tổ chức cho nông dân sản xuất với sự đầu tư bài bản từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, quy trình kỹ thuật… và chốt giá mua sản phẩm với một mức giá đảm bảo có lời cho nông dân. Song đến mùa thu hoạch, sầu riêng năm đó “cháy hàng”, thương lái dạm mua với giá cao hơn chút đỉnh, nông dân ào ào bán cho họ, phá vỡ hợp đồng. Doanh nghiệp ngậm ngùi vì chẳng lẽ đi kiện từng hộ, từng người? Bên cạnh đó, cũng có trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hợp đồng đến cùng với nông dân do những khó khăn phát sinh, như: thị trường thu hẹp, thiếu vốn, khủng hoảng kinh tế…

Trong quá trình hợp tác làm ăn, dĩ nhiên sẽ có rủi ro, đặc biệt là lĩnh vực nhạy cảm như nông nghiệp. Chính vì vậy, càng cần những thỏa thuận rõ ràng và minh bạch. Với nông nghiệp Việt Nam, lại càng cần loại bỏ tư duy cho rằng nông dân là những người yếu thế và cần hỗ trợ; thiệt thòi doanh nghiệp phải gánh, hoặc ngược lại.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước hết cả hai bên phải xây dựng quan hệ làm ăn dựa trên chữ tín. Một quan hệ hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp chỉ thành công khi cả hai phía đều có lợi. Một quan hệ mà chỉ có một bên thắng, còn bên kia thua, rõ ràng là không thể bền vững, lâu dài được. Và đồng thời, hai bên cũng đều có trách nhiệm như nhau khi phát sinh những khó khăn dẫn đến đổ vỡ hợp đồng trong quá trình hợp tác. Đó là sự công bằng và sòng phẳng cần phải có.

VI LÂM

Tin xem nhiều