Báo Đồng Nai điện tử
En

Bao giờ cho đến... thi chung

11:07, 02/07/2014

Sáng 4-7, đến hẹn lại lên, cùng với hơn 600 ngàn sĩ tử cả nước, trên 10 ngàn thí sinh các vùng, miền từ thành thị đến nông thôn lại tất tả đổ về Đồng Nai để bước vào đợt 1 kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 - kỳ thi mang tính quyết định đến sự nghiệp sau này.

Sáng 4-7, đến hẹn lại lên, cùng với hơn 600 ngàn sĩ tử cả nước, trên 10 ngàn thí sinh các vùng, miền từ thành thị đến nông thôn lại tất tả đổ về Đồng Nai để bước vào đợt 1 kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 - kỳ thi mang tính quyết định đến sự nghiệp sau này.
Cảnh tượng này cũng đã diễn ra cách đây một tháng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Và tiếp tục diễn ra trong kỳ thi đại học, cao đẳng đợt 2.

Để công tác thi cử diễn ra đúng quy chế, an toàn và thuận lợi cho thí sinh, ngoài nhân lực, vật lực của ngành GD-ĐT, còn có sự huy động hỗ trợ của các ngành, các cấp liên quan, như: công an, giao thông - vận tải, điện lực, y tế, phòng cháy chữa cháy… Ấy là chưa kể sự tham gia của các đoàn thể, cộng đồng xã hội, như: thanh niên tình nguyện hướng dẫn, người dân cho ở trọ giá rẻ hoặc miễn phí. Có thể nói, sức người, sức của đổ vào cho các kỳ thi là rất lớn. Theo ước tính của Bộ GD-ĐT, mỗi năm có khoảng 1,5 ngàn tỷ đồng đổ ra cho 1 triệu thí sinh đi thi. Những con số về nhân lực, về kinh phí ấy đều có thể tính toán được khi tổng kết kỳ thi, còn áp lực về những đợt thi liên tiếp của thí sinh, nỗi lo toan của bao ông bố, bà mẹ bỏ công bỏ việc đưa con “lên đường ứng thí” lấy gì đong đếm được? Có chứng kiến cảnh phụ huynh đội mưa, đội nắng ngóng đợi con ngoài cánh cổng trường thi, chứng kiến bao sĩ tử khủng hoảng tâm lý khi nhận kết quả thi không như ý… mới thấy được áp lực của các kỳ thi ghê gớm như thế nào.

Áp lực là thế, song nghịch lý ở chỗ: khi đã “vượt vũ môn”, hoàn thành tâm nguyện của bản thân, gia đình, dòng tộc, các trí thức tương lai của đất nước lại đối diện với một thực tế khác, cũng áp lực và đau lòng không kém. Đó là đầu ra cho công việc. Báo chí cũng đã phản ánh nhiều về tình trạng đào tạo thừa thầy - thiếu thợ, nhiều cử nhân tốt nghiệp ra trường vẫn thất nghiệp triền miên hoặc làm trái với ngành nghề được đào tạo, chưa đáp ứng nhu cầu công việc…

Không phải là ngành GD-ĐT không nhận ra áp lực thi cử cũng như việc đào tạo chưa đáp ứng kịp thời và sát với nhu cầu của thực tiễn. Ngành đã từng có những đề xuất giảm tải thi cử, gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học làm một, cải cách giáo dục đại học. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thấy diện mạo của một lộ trình cụ thể cho việc đổi mới công tác thi cử, cải cách giáo dục đại học, định hướng và phân luồng lao động xã hội. Cho đến nay, các bậc phụ huynh và thí sinh vẫn ngóng chờ một kỳ thi chung như lời hứa của Bộ GD-ĐT, vẫn hoang mang, lo lắng, thấp thỏm, căng thẳng với kỳ thi diễn ra vào ngày mai. Bao giờ đến kỳ thi chung? Câu hỏi ấy vẫn đợi sự trả lời từ Bộ GD-ĐT.

Lâm Viên

 

Tin xem nhiều