Nông dân Hồ Sáu tại huyện Trảng Bom - người được mệnh danh là "vua trồng mì" của miền Nam - từng chia sẻ, một trong những "bí quyết" mà ông chắt lọc suốt quãng đời hơn nửa thế kỷ làm nông dân, chính là nông dân muốn thoát nghèo, buộc phải sản xuất lớn.
Nông dân Hồ Sáu tại huyện Trảng Bom - người được mệnh danh là “vua trồng mì” của miền Nam - từng chia sẻ, một trong những “bí quyết” mà ông chắt lọc suốt quãng đời hơn nửa thế kỷ làm nông dân, chính là nông dân muốn thoát nghèo, buộc phải sản xuất lớn. Sản xuất lớn, trong lý giải của ông Sáu, nghĩa là diện tích sản xuất càng lớn thì giá thành càng hạ, cơ hội cạnh tranh cao và chất lượng nông sản đồng đều hơn.
Thực tế, các cơ hội xuất khẩu hay cung ứng nguyên vật liệu cho các tập đoàn chế biến thực phẩm lớn của trái cây nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung không quá khó tìm. Tuy vậy, yêu cầu quan trọng nhất mà nông dân chưa thể đáp ứng là sự đồng đều về chất lượng, hình thức cùng một sản lượng lớn, ổn định lâu dài. Điều này tưởng dễ nhưng lại hóa khó, bởi nông dân Việt bao đời đã quen với kiểu trồng trọt manh mún, chỉ vài ba trăm m2 đất cũng có thể biến thành một mảnh vườn trồng cây lấy quả đem bán như ai. Tư duy trồng trọt nhỏ đã không còn phù hợp với hoàn cảnh mới, khi nông sản buộc phải tìm đường xuất khẩu hoặc tìm đầu ra khác (như chế biến thành thực phẩm khô, đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm…) vì số lượng sản xuất ra quá nhiều.
Như một “truyền thống”, trái cây Việt Nam có thói quen xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, thông qua hệ thống thu gom của thương lái khắp miền.Cứ bình thường, cách làm này có vẻ khá “ổn” vì nông dân cứ mạnh dạn trồng trọt vài chục cây trên khoanh đất nhỏ của mình, tới mùa tự khắc có thương lái vô mua, giá rẻ hay đắt thì tùy từng năm, cũng không bận tâm lắm tới chuyện phải sản xuất theo quy trình sạch, đạt chuẩn trong nước hay nước ngoài.
Mọi chuyện chỉ vỡ lẽ khi Trung Quốc - quốc gia chịu tiêu thụ nông sản thô của Việt Nam mà không đòi hỏi gì nhiều về chất lượng - “trở quẻ”, giảm nhập hàng, như đang xảy ra với trái cây Việt Nam trong mùa hè này. Không bán được cho Trung Quốc, trong nước ăn không hết, ngành chế biến lại non kém chưa phát triển, nông dân rơi vào khủng hoảng như một hệ quả tất yếu của một thời gian quá dài làm nông nghiệp với tư duy nhỏ lẻ.
Có lẽ đã đến lúc cần phải suy nghĩ lại về cách làm nông nghiệp, mà bài học không đâu xa, ngay tại Philippines - quốc gia trước đây cũng phụ thuộc Trung Quốc về tiêu thụ nông sản. Cách đây vài năm, khi Trung Quốc gây khó bằng cách không mua chuối của nông dân Philippines, họ cũng điêu đứng, nhưng họ đã tư duy lại, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, bằng cách liên kết tạo ra những cánh đồng lớn rộng hàng ngàn hécta, cung cấp nhiều loại trái cây như dứa, chuối với chất lượng đồng đều và chuyển rất mạnh sang thị trường khác, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản… Thị trường mới đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng, song đầu ra và đồng lời của nông dân bảo đảm hơn nhiều so với phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.
Một ví dụ rất gần…
VI LÂM