Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Theo lộ trình mà Chính phủ đề ra đến năm 2015, cơ quan nhà nước sẽ ưu tiên 11 dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tới người dân và doanh nghiệp, trong đó có những thủ tục liên quan mật thiết đến đời sống, từng gây nhiều phiền hà, như: cấp giấy phép xây dựng, giấy phép đầu tư, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Theo lộ trình mà Chính phủ đề ra đến năm 2015, cơ quan nhà nước sẽ ưu tiên 11 dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tới người dân và doanh nghiệp, trong đó có những thủ tục liên quan mật thiết đến đời sống, từng gây nhiều phiền hà, như: cấp giấy phép xây dựng, giấy phép đầu tư, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Thông tư số 26 của Bộ Thông tin - truyền thông ban hành năm 2009 nêu rõ quy định các mức độ dịch vụ công trực tuyến của cơ quan hành chính nhà nước cung cấp cho tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng gồm 4 mức. Trong đó, đối với các địa phương, yêu cầu phải cung cấp được ở mức độ 3, tức là cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Đánh giá về hiệu quả ban đầu của việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cho thấy, các thủ tục hành chính đã được giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian, giảm được phiền hà cho doanh nghiệp, người dân. Đây cũng là xu hướng phát triển tất yếu của mỗi quốc gia nếu muốn hội nhập sâu với quốc tế. Tuy nhiên, tại Đồng Nai - địa phương luôn đứng đầu cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, số sở, ngành triển khai dịch vụ này còn khá khiêm tốn với 8 đơn vị tham gia. Theo ông Lê Hoàng Ngọc, Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông, sở dĩ số đơn vị triển khai dịch vụ công trực tuyến còn ít là do hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, cần phải được đầu tư nâng cấp. Bên cạnh đó, hệ thống kết nối thông tin giữa các cơ quan nhà nước cũng chưa hoàn thiện nên gây khó khăn cho công tác kiểm chứng...
Chính vì những khó khăn trên, nhiều đơn vị chưa mặn mà với việc triển khai dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, có một nghịch lý đang diễn ra là không hiếm đơn vị dù đã triển khai dịch vụ này từ lâu, nhưng lại “ế” hồ sơ đăng ký. Nguyên nhân được xác định là do công tác tuyên truyền đến người dân về tiện ích của việc làm thủ tục qua mạng còn hạn chế. Người dân vẫn giữ thói quen tới các cơ quan nhà nước để giải quyết trực tiếp các thủ tục, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, hộ tịch... Thậm chí, không ít người còn tỏ ra nghi ngờ những ưu điểm của dịch vụ này bởi quan niệm “làm trực tiếp còn phải chờ đợi lâu, huống chi làm qua mạng!”.
Tại nhiều cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu các địa phương, đơn vị phải tạo được bước phát triển đột phá về cải cách hành chính, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, việc thu hút vốn đầu tư ngày càng bị cạnh tranh gay gắt. Đây không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm mà còn là chỉ số đánh giá năng lực quản lý, điều hành của người đứng đầu các cơ quan gần dân nhất trong bộ máy nhà nước.
MINH NGỌC